NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Làm giàu từ trồng nấm công nghệ cao
Thứ năm - 01/10/2020 21:171.5870
(Hội NDNA) - Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học - Đại học Quốc gia TP.HCM, anh Cao Minh Long (sinh năm 1988, xóm 11, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu) quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng nghề trồng nấm công nghệ cao. Doanh thu đạt 4 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm; tạo công việc thường xuyên cho 10 lao động.
Bằng vốn kiến thức kỹ sư công nghệ sinh học Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, anh Cao Minh Long trở về quê lập nghiệp với nghề trồng nấm. Tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương thích hợp với việc trồng nấm như mùn cưa, bông, rơm rạ… bước đầu đem lại kết quả khả quan. Sau đó một thời gian, anh Long đầu tư thêm hệ thống phun nước làm mát và tạo độ ẩm, máy trộn mùn cưa, nồi hơi…để tăng diện tích sản xuất và đa dạng sản phẩm.
Nghề trồng nấm được anh Long đam mê từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Song song với việc đầu tư kĩ thuật, phương tiện, anh Long cũng bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đầu năm 2016 dây chuyền sản xuất nấm của anh bước vào hoạt động chính thức. Anh đầu tư trồng nhiều loại nấm như tai mèo, nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư, nấm Đông trùng hạ thảo và nấm rơm.
Theo anh Long: Quy trình sản xuất nấm giống ban đầu từ các nguyên liệu gồm: xương hầm, khoai tây, nước giá luộc, cám, đường trong môi trường sạch. Sau khi hoàn thành, nấm giống sẽ được gieo cấy vào từng phôi nấm. Mỗi bịch giống sẽ cấy được 40 - 50 bịch phôi. Hoàn thành công đoạn hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy giống, quy trình phải hoàn toàn vô trùng và tránh ảnh hưởng đến chất lượng nấm giống. Ngoài ra kỹ thuật chế biến, dụng cụ sản xuất, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà xưởng luôn luôn được đảm bảo. Nhờ đó, các sản phẩm từ nấm của anh luôn là những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không can thiệp bất cứ hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật.
Nhớ về những ngày khó khăn khi bắt tay vào nghề anh Long cho biết thêm: Tôi còn nhớ, lúc đặt những viên gạch đầu tiên thì chủ tịch Hội ND xã đã vào tận nhà động viên và chở tôi đi gõ cửa tìm các nguồn vốn sản xuất ở Ngân hàng chính sách, các quỹ tín dụng…lúc đó khó khăn lớn nhất của tôi không phải là kỹ thuật, hay đầu ra của sản phẩm mà chính là nguồn vốn. Thấu hiểu được khó khăn đó, Hội ND huyện đã kịp thời giải ngân nguồn vốn quý giá với tôi 70 triệu đồng để hỗ trợ mua nguyên vật liệu trồng nấm. 2 năm sau, gia đình tôi được vay thêm 200 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội ND huyện Diễn Châu để mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường. Hằng năm tôi còn được Hội ND huyện và xã tạo điều kiện tham gia các gian hàng triển lãm sản phẩm tại các lễ hội, được tư vấn xây dựng thương hiệu, được viết các bài báo để góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường…
Hiện tại cơ sở sản xuất của anh Long đang tạo công việc thường xuyên cho 10 lao động độ tuổi từ 30 – 50 với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu năm vừa rồi đạt hơn 4 tỷ đồng và lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, sản phẩm của anh Long được chi cục an toàn thực phẩm của tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ an toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2016 đến năm 2019, gia đình anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen tại cuộc thi “Nông dân với công nghệ thông tin”; vinh danh 01 trong 20 mô hình nông dân khởi nghiệp tiêu biểu của cả nước, năm 2018 lọt vào tốp 30 của cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, năm 2019 đạt giải 3 trong cuộc thi “Nông dân tìm hiểu, sử dụng máy tính và internet” do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức; ngoài ra gia đình còn được tặng nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn.
Ông Phạm Văn Hướng, Chủ Tịch Hội ND xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cho biết: Mô hình trồng nấm của anh Cao Minh Long đang trên đà phát triển hiệu quả và với quy mô lớn. Mô hình không những giúp phát triển kinh tế cá nhân mà còn giúp đỡ nhiều người dân trong và ngoài huyện có cơ hội vươn lên làm giàu.