Các thành viên tổ hợp tác trồng cây ăn quả
Huyện Thanh Chương nói chung, xã Hạnh Lâm nói riêng có nhiều điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây có múi. Với quỹ đất dồi dào, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu phù hợp, lại có giao thông thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm, người dân địa phương mong muốn được phát triển các giống cây ăn quả có chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại buổi lễ ra mắt tổ hợp tác
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt tổ hợp tác, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn khẳng định vai trò quan trọng của của tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại xã Hạnh Lâm; đồng thời đồng chí cũng đề nghị tổ hợp tác, các thành viên trong tổ chức liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xây dựng mô hình theo chuỗi giá trị, hướng tới sản xuất an toàn sinh học.
Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây bưởi
Nhân dịp này, tổ hợp tác trồng cây ăn quả được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ 1.500 cây bưởi da xanh và 600 cây ổi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thực hiện xây dựng mô hình “ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây bưởi da xanh trồng xen cây ổi theo hướng an toàn sinh học” với quy mô 6ha. Theo đó, toàn bộ mô hình sẽ được bổ sung một số loại chế phẩm vi sinh vật theo đúng quy trình của nhà sản xuất và khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc sử dụng phân bón, chế phẩm có nguồn gốc vi sinh vật trong thâm canh cây bưởi sẽ giúp cho sự sinh trưởng phát triển cây bưởi, nâng cao sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn các hộ tham gia tổ hợp tác sử dụng chế phẩm sinh vật hiệu quả