NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Tương Dương: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét
Thứ tư - 17/07/2024 22:251.6920
(Hội NDNA) - Xác định công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét là nhiệm vụ quan trọng giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập phát triển kinh tế bền vững. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tương Dương đã phối hợp triển khai tốt Dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” do Quỹ Môi trường toàn cầu. Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc tài trợ, tại 12 bản và 5 xã trên địa bàn huyện Tương Dương.
Toàn huyện hiện có 1.634 ha rừng mét trồng và hàng ngàn hộ gia đình đã tham gia trồng mét. Qua khảo sát xây dựng Đề án phát triển cây mét trên địa bàn huyện thì thu nhập từ cây mét cao hơn phát triển cây keo từ 2-5 lần.
Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu. Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc tài trợ triển khai qua 2 giai đoạn: Nhân rộng thành công các mô hình sinh kế phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị với 458 lượt hộ/333 hộ gia đình tham gia và hưởng lợi tại 2 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp đã và đang được triển khai, bao gồm: Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý 500,87 ha rừng trồng Mét đã có trên địa bàn; Trồng rừng mét 44,12 ha trên đất rừng sản xuất chưa có rừng; Giai đoạn 2: Nhân rộng thành công 2 loại mô hình sinh kế phát triển sinh kế bền vững cây Mét sang các địa bàn 6 thôn bản tại các xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, Khu DTSQ Tây Nghệ An: Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý rừng trồng Mét đã có trên địa bàn 6 thôn bản: Tam Hương xã Tam Quang, Đình Hương xã Tam Đình, Na Tổng, Tân Hợp xã Tam Thái, bản Chắn, bản Nhẫn thị trấn Thạch Giám với quy mô có 245 hộ tham gia, diện tích phục tráng 444ha. Phát triển Quỹ vay vốn quay vòng nhân rộng các mô hình phát triển cây Mét tại 5 xã Thị trấn gồm Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, thị trấn Thạch Giám và Tam Hợp.
Qua 3 năm thực hiện Dự án, Hội Nông dân đã phối hợp với các ban, ngành cấp huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, phục tráng, khai thác bền vững rừng mét đã trồng, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng trồng mét bổ sung và trồng rừng có 578 hội viên, nông dân tham gia; Tập huấn về kỹ thuật làm phân bón hữu cơ 12 lớp, có hơn 600 hội viên, nông dân tham gia và sản xuất được hơn 80 tấn phân bón hữu cơ, bón cho các vườn mét bị nghèo kiệt. Thành lập 12 tổ hợp tác về phát triển kinh tế bền vững từ cây mét; Kết nối thị trường, xúc tiến hợp đồng bán cây mét cho các hộ gia đình, tổ hợp tác với Công ty Khôi Trúc và các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Hỗ trợ tổ chức liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây mét giữa THT, nhóm cộng đồng với doanh nghiệp. Hỗ trợ đưa một số sản phẩm chế biến từ cây mét dự thi OCOP tỉnh.
Việc triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao. Năm 2021 hội viên nông dân đã bán 6000 tấn nguyên liệu mét cho Công ty Khối Trúc, thu nhập hơn 6 tỷ đồng, đến năm 2023 hội viên nông dân đã bán hơn 9000 tấn nguyên liệu mét, thu nhập hơn 9 tỷ đồng. So sánh sau 3 năm áp dụng KH&CN vào trồng và chăm sóc vườn mét người dân đã có thu nhập tăng hơn 3 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng mừng cho các hộ tham gia mô hình phát từ cây mét của huyện Nhà.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét còn gặp những khó khăn như, một số hội viên, nông dân vẫn còn mơ hồ, sức tiếp cận KH&CN còn nhiều hạn chế; việc hướng dẫn, chuyển tải KH&CN cho nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, đang dừng lại cở công tác tuyên truyền, vận động; Trình độ lý luận của cán bộ hội chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhất là việc hướng dẫn các quy trình áp dụng KH&CN vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét của người cán bộ tuyên truyền còn hạn chế, bởi nhiều cán bộ Hội không có chuyên môn về lĩnh vực khoa học; Do một số vùng trồng mét, giao thông đi lại còn rất khó khăn, không thuận tiện cho việc chăm sóc, khai thác và vận chuyển nguyên liệu Mét của các hộ dân.
Để công tác tuyên truyền, vận động nông dân Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét thời gian tới được tốt hơn, Hội nông dân huyện tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực công tác gắn với đổi mới phương thức công tác tuyên truyền bằng việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng, nhất là tập huấn kiến thức về KH&CN cho cán bộ làm công tác Hội; Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, KH&CN mới vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét; từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí và vai trò của KHCN, đặc biệt là công nghệ cao, trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng và phục tráng các vườn mét hiện có bị suy thoái. Bênh cạnh đó cần tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giỏi của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phổ biến, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành để hội viên không bị quá lạc hậu; Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên về tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất, trong đó thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng KH&CN vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét trở thành một trong những nội dung sinh hoạt của các tổ chức đảng và của các tổ chức Hội, nhất là Hội Nông dân./.