Trên diện tích vườn nhà rộng khoảng 1000 m2, ông Vừ Tồng Pó, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, Kỳ Sơn, đã bố trí xây dựng chuồng trại kiên cố và luôn duy trì từ 1.000 đến 1.200 con gà đen bản địa.
Gia đình ông Vừ Tồng Pó, ở bản Mường Lống 1, được rất nhiều người trong vùng biết đến bởi sự năng động, sáng tạo và tháo vát trong phát triển kinh tế. Trên diện tích vườn nhà rộng khoảng 1000 m2, ông đã bố trí xây dựng chuồng trại kiên cố và luôn duy trì từ 1.000 đến 1.200 con gà đen bản địa. Ông Pó cũng duy trì nuôi gối vụ nhiều lứa gà khác nhau để có gà thay luôn phiên nhiều lứa trong một năm
Đây là giống gà quý của đồng bào Mông, có đặc điểm thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon vào bậc nhất trong các gà giống hiện nay.
“Gia đình ta có truyền thống nuôi gà từ lâu đời. Tuy nhiên vào năm 2019, thì có hỗ trợ của Hội nông dân huyện về kinh phí mua con giống, thức ăn, gia đình chúng tôi đã mở rộng thêm, năm 2019, tôi đã xuất bán được gần 8 ta gà, khi đó giá nó thấp, nhân giá 18 thôi, nhưng cũng được sấp sỉ 180 triệu”. ông Pó chia sẻ.
Để đáp ứng cung cấp số gà thịt cho thị trường.Ông Pó, mạnh giạn đầu tư gần 15 triệu đồng mua lò ấp trứng, để vừ đảm bảo nguồn giống nuôi, lại có thể giúp cung cấp con giống cho bà con trong vùng.
Ngoài ra ông cũng kết hợp nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng cây Mận, Đào. Tổng doanh thu hàng năm của gia đình ông trến 400 triệu đồng. Gia đình ông Pó được UBND xã Mường Lống công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020.
Từ cách làm hay của gia đình ông Pó, nhiều người dân trong vùng đã đến học tập kinh nghiệm, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
“Ngoài mô hình gà đen thì ông Pó còn chăn nuôi thêm trâu, bò, mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Pó phát triển rất mạnh và là hội viên hội nông dân SXKDG của xã.” Ông Vừ Bá Sử, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lống, khẳng định thêm.
Cũng phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, gia đình ông Vi Văn Hùng, dân tộc Thái ở bản Na Khướng, xã biên giới Na Loi lại vận dụng vùng đất tự nhiên ở đầu nguồn con suối Nậm Tắm, sát biên giới Việt Lào để lập gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ một hộ gia đình vốn chỉ quen với nương rẫy, nay gia đình ông Vi Văn Hùng đã có một gia trại với 15 con trâu, 35 con bò, gần 40 con dê và hàng trăm con gia cầm, nhờ chăn nuôi mỗi năm mang lại cho gia đình ông Hùng thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Nhờ đó đã giúp gia đình ông thoát nghèo và vươn lên trở thành gương điển hình phát triển kinh tế giỏi ở xã biên giới Na Loi.
“Ngày xưa làm rẫy thì khổ lắm, từ ngày gia đình phát triển chăn nuôi nay đã có nguồn vốn tích lũy, không còn lo từng bữa ăn nữa. Hiện tổng thu nhập hàng năm ít được 300 đến 350 triệu đồng một năm, nói chung gia đình hôm nay đã thoát nghèo.” Ông Vi Văn Hùng, bản Na Khướng, xã Na Loi, chia sẻ.
Gia trại chăn nuôi gia súc của gia đình anh Hùng
Đây chỉ là hai trong rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, đã biết vận dụng linh hoạt lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, đã thu hút đông đảo cán bộ hội viên và nông dân tham gia, quan trọng hơn, từ thành công của mô hình này, đã làm thay đổi tập quán, giảm dần phương thức canh tác lúa rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún sang chăn nuôi hàng hóa và phát triển diện tích rừng.
Lấy ngắn nuôi dài gia đình ông Hùng cũng nuôi thêm gia cầm.
“Qua phong trào các mô hình đã dần lớn lên, phát triển rất tốt cả về quy mô, tạo ra sản phẩm nông nghiệp vừa và có tính liên kết giữa các hộ gia đình các hộ sản xuất. Đây là một trong những điều kiện dẫn đến việc hình thành và phát triển các tổ hội nông dân nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp định hướng phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp” Ông Lang Thanh Lương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Kỳ Sơn, khẳng định
Có thể nói, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương… Qua đó, góp phần cùng cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Mô hình của gia đình ông Vừ Tồng Pó và ông Vi Văn Hùng là một trong 56 cá nhân được UBND huyện Kỳ Sơn biểu dương và tặng giấy khen là điện hình tiên tiến trong Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.