NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nông dân Nghi Hải: Phát huy truyền thống nghề khai thác, chế biến hải sản
Thứ hai - 21/10/2019 03:349990
Với thế mạnh có đường bờ biển dài hơn 1,5 km và cảng cá Cửa Hội, mỗi năm thu hút hàng ngàn lượt tàu đánh bắt xa bờ từ các tỉnh và các huyện bạn cập cảng, trong những năm qua, nghề khai thác và chế biến hải sản luôn được đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò coi trọng, chăm lo phát triển.
Thực hiện Nghị Quyết của Đại Hội Đảng bộ Phường lần thứ XXIV, Hội Nông dân Phường phối hợp với UBND phường xây dựng Kế hoạch tiếp tục phát huy truyền thống nghề khai thác và chế biến hải sản gắn với việc thực hiện Đề án phát triển làng nghề nước mắm Hải Giang 1 giai đoạn 2015-2020. Để làm được những nội dung này, Hội đã tập trung tham mưu xây dựng nhiều nhóm giải pháp: trước hết vận động ngư dân củng cố nghề khai thác hải sản gắn với các nghề truyền thống như nghề câu, nghề vỏ ánh sáng, nghề chụp, từng bước chuyển dần từ khai thác vùng lộng sang vùng khơi…Trên cơ sở những sản phẩm địa phương khai thác và hải sản các tàu đánh bắt xa bờ về cập các cảng cá trên địa bàn, Hội đã tăng cường vận động hội viên, nhân dân tập trung phát triển mạnh ngành chế biến, xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề nước mắm truyền thống Hải Giang 1, làng bảo quản hải sản Hải Giang 2, Hải Thanh.
Song song với các nhóm giải pháp đó Hội đã liên kết với Trường Đại học Nha Trang, Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, các lớp học nghề ngắn hạn về chế biến và bảo quản hải sản; thành lập được 3 tổ, đội sản xuất trên biển, áp dụng luân phiên giữa thuyền làm dịch vụ trên biển với thuyền khai thác hải sản. Hội có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đăng kiểm tàu cá; chuyển đổi, thay thế tàu cũ công suất nhỏ bằng tàu công suất lớn đánh cá xa bờ; chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả; Hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn có lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Thị xã để đầu tư sản xuất với tổng dư nợ 11 tỷ đồng cho 366 hội viên được vay, nguồn vốn Qũy HTND Thị xã 300 triệu cho 06 hộ vay vốn. Với những nhóm giải pháp đồng bộ, sự chỉ đạo quyết liệt của BTV Hội, sự hỗ trợ của các ban, ngành trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, nhân dân phường nên trong những năm gần đây, nghề khai thác và chế biến hải sản thu được nhiều kết quả. Hiện nay, toàn phường Nghi Hải có 69 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất 3137CV. Các nghành nghề khai thác đa dạng đã giải quyết 550 lao động trực tiếp đi biển và hàng nghìn lao động hậu cần nghề cá. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng hải sản bình quân hàng năm đạt khoảng 2,5 nghìn tấn. Hầu hết hải sản đánh bắt đều được bà con ngư dân chế biến ngay ngoài biển như mực luộc biển, cá luộc biển, mực một nắng…để giữ được độ tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và là một trong những sản phẩm quảng bá thương hiệu du lịch Cửa Lò. Vì thế giá thành sản phẩm cũng tăng cao đáng kể, ví như 1kg cá tươi trước đây đưa về được bà con bán với giá là 60 - 70.000đ/kg, giờ cá được luộc ngoài biển mang về bán với giá 150.000đ/kg, có đợt cao điểm còn có giá 200.000đ/kg; Mực tươi trước đây được bán giá 150.000đ/kg, giờ bà con luộc mang về có giá 300.000đ/kg. Sản lượng khai thác ổn định, giá cả tăng cao, nghề khai thác hải sản đang từng bước giúp bà con cải thiện cuộc sống. Thu nhập bình quân của mỗi thuyền viên nghề biển “đi bạn” khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đối với những chủ thuyền có tàu công suất lớn như ngư dân Trần Văn Thủy ở khối Tân Quang, Nguyễn Văn Hợp ở khối Hải Lam, Võ Văn Lương ở khối Hải Thanh, Nguyễn Khắc Thái ở khối Hải Bình,… khoảng 400-500 triệu/năm. Nghề đánh bắt phát triển kéo theo nghề chế biến hải sản và nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá cũng phát triển mạnh. Hiện tại toàn phường có 54 kho đông lạnh của 26 hộ với tổng công suất chứa hàng nghìn tấn, xuất kho hàng năm từ 14 nghìn tấn đến 15 nghìn tấn. Hàng năm giải quyết việc làm cho 765 lao động và góp phần lớn cho nguồn thu ngân sách của địa phương, với hình thức kinh doanh này, nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành tỷ phú của phường, với tổng thu nhập khoảng 3-4 tỷ/năm, xuất hàng rộng khắp cả nước và còn xuất khẩu sang nước ngoài, tiêu biểu như hộ kinh doanh đông lạnh: Sơn Huyền, Long Huyền, Hưng Hảo, Hiền Ninh,…Ngoài ra, trên địa bàn phường có một làng nghề chế biến nước mắm với 84 thành viên tham gia. Hàng năm đã sản xuất và xuất ra thị trường gần 850 nghìn lít nước mắm, tạo công ăn việc làm cho hơn 270 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 5,5 tỷ đồng. Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 đã được công nhận là một trong 63 sản phẩm tiêu biểu Bắc Miền Trung và nằm trong tốp 8 sản phẩm tiêu biểu của Tỉnh.
Trao đổi về vấn đề này ông Trương Như Dương-Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Hải cho biết: Nghề khai thác hải sản những năm trước 2005 được xem là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng do chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cũng như khó khăn về nguồn lao động, vốn, khoa học kỹ thuật…Nên đã có những giai đoạn nghề khai thác hải sản đã bị thu hẹp và mai một dần. Tuy nhiên từ sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV xác định đây là nghề truyền thống, giao cho Hội phối hợp với UBND phường khôi phục và duy trì phát triển. Trên cơ sở đó Hội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phát triển lại ngành nghề này. Nhờ phát huy các nghành nghề truyền thống từ biển mà rất nhiều bà con nhân dân địa phương đã vươn lên làm giàu tiêu biểu. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát Đề án “Khai thác và chế biến hải sản gắn với sản phẩm Làng nghề, giai đoạn 2016-2020” một cách hiệu quả, nhân rộng mô hình “tổ liên kết tàu thuyền”, cũng như vận động bà con chuyển đổi hình thức đánh bắt gần bờ sang xa bờ, duy trì nghành nghề khai thác thân thiện với môi trường biển, giữ gìn tài nguyên như nghề thả rạo,đi câu, vó”.