Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tăng giá trị thu nhập, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố Vinh đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm Kim Mỹ xã Nghi Ân được thành phố hỗ trợ 50% kinh phí mua giống Lan Moocara vào trồng. Để đảm bảo cho cây lan sinh trưởng và phát triển tốt gia đình đã đầu tư hệ thống phun sương tự động, giàn lưới trượt chống bão, che chắn với tổng vốn đầu tư 130 triệu đồng. Theo ông Đồng muốn thành công trong phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngoài yếu tố áp dụng khoa học kỹ thuật thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Hệ thống hạ tầng đồng bộ sẽ giải phóng sức lao động và góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Đồng-Xóm Kim Mỹ xã Nghi Ân-TP Vinh chia sẻ: “Để thực hiện mô hình hoa cao cấp này gia đình cũng đầu tư hạ tầng đồng bộ chống khô hạn mùa hè và chống mưa lụt vào mùa mưa.”
Khuyến khích hội viên ứng dụng giống cây con mới vào sản xuất chăn nuôi, Hội Nông dân thành phố Vinh còn định hướng và hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế tuân thủ quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả bền vững và đảm bảo an toàn môi trường. Gia đình ông Phạm Đình Thảo ở xóm Xuân Trung xã Nghi Đức là 1 trong những hộ có quy mô trang trại chăn nuôi gà siêu đẻ lớn nhất nhì thành phố. Trên diện tích 700 m2 gia đình ông đã nuôi 6000 con gà đẻ. Để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường gia đình ông đã dùng chế phẩm đệm lót sinh học để khử mùi hôi trong khu vực chăn nuôi, vì vậy mặc dầu chăn nuôi với số lượng lớn nhưng trại gà của gia đình ông ít bị dịch bệnh. Bình quân mỗi ngày cho xuất bán hơn 5000 quả trứng ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập 600 triệu đồng/năm. Ông Phạm Đình Thảo-Hội viên nông dân xóm Xuân Trung xã Nghi Đức chia sẻ: “Chăn nuôi là phải chịu khó, và quan trọng nhất trong chăn nuôi là cách phòng bệnh. Phải cẩn thận trong từng khâu chăm sóc và phòng bệnh là phải phòng triệt để”.
Hiện nay đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh đang ngày càng bị thu hẹp dần do quá trình đô thị hóa, theo đó nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh doanh dịch vụ. Tận dụng mặt đường Lê Viết Thuật gia đình ông Nguyễn Văn Công ở xóm Mậu Lâm xã Hưng Lộc đã chuyển từ trồng lúa sang kinh doanh lương thực từ nhiều năm nay. Cửa hàng lương thực của ông là đại lý cấp 1 cung cấp các loại gạo ngon cho thị trường thành phố và các huyện lân cận. Với sự chịu khó biết tìm hướng kinh doanh nên bình quân thu nhập đạt 500 triệu/năm. Đồng thời ông còn giúp đỡ cho 13 lao động có việc làm ổn định. Ông Nguyễn Văn Công-Hội viên nông dân xóm Mậu Lâm xã Hưng Lộc cho biết:“Sau khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp gia đình tôi xay xát gạo để phát triển kinh tế, dần dần chúng tôi kinh doanh lớn hơn. Làm lâu năm có uy tín nên đã có thành công như hôm nay.”
Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi phát triển đa dạng và xuất hiện nhiều tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo. Họ là những nông dân biết nắm bắt cơ chế thị trường, phát triển kinh tế gia đình phù hợp với quá trình đô thị hóa của thành phố. Hiện nay, toàn thành phố có 2.957 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Để đạt được kết quả này, những năm qua Hội Nông dân thành phố Vinh đã chủ động tạo điều kiện về chính sách, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến từng hội viên nông dân. Trong 5 năm qua, Hội đã tín chấp vay vốn cho nông dân phát triển sản xuất đến nay dư nợ ngân hàng chính sách xã hội gần 53 tỷ đồng. Thành lập mới 8 tổ liên kết sản xuất chăn nuôi, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mới có hiệu quả. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi còn là bước tạo đà cho các chương trình khác cùng phát triển. Trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân thành phố đã đóng góp hơn 66 tỷ đồng và 6 vạn ngày công, hiến 14.665m2 đất vườn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ông Võ Hoàng Thạch-Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết thêm: “Hội Nông dân đã làm tốt vai trò bà đỡ cho nông dân phát triển kinh tế. Nhiều hội viên đã biết nắm bắt cơ chế thị trường thay đổi tư duy sản xuất để phát triển kinh tế trong quá trình đô thị hóa như hiện nay… ”.
Nông nghiệp thành phố Vinh đang trên đà phát triển bền vững, Để thích ứng với những đổi thay mới, nông dân thành phố Vinh hôm nay đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố.
Hoàng Loan (Đài TT-TH Thành phố Vinh)
Ý kiến bạn đọc