Là địa bàn nông nghiệp, mỗi năm ở xã Xuân Thành có hàng nghìn tấn phụ phẩm nông nghiệp từ quá trình sản xuất, chăn nuôi chưa được sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Theo đó chương trình sản xuất phân vi sinh hữu cơ được Hội Nông dân xã phối hợp triển khai từ năm 2020 đến nay ở 10 chi hội với hơn 20 hội viên tham gia và xây dựng được 03 mô hình điểm để bà con học tập kinh nghiệm, bình quân mỗi năm đã sản xuất được gần 500 tấn phân hữu cơ vi sinh.
Theo những hộ tham gia mô hình này thì sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp không khó vì nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, giảm thiểu ô nhiểm môi trường. Với chi phí ban đầu khoảng 300 nghìn đồng, bà con nông dân có thể sản xuất được 1 tấn phân hữu cơ vi sinh. Từ nguồn phân bón này bà con sử dụng để bón cho lúa, rau màu, cây trồng các loại, cải tạo được đất, đất màu mở, tăng độ mùn làm cho đất tơi xốp hơn, giữ được độ ẩm, hạn chế sâu bệnh, giảm ô nhiểm môi trường tăng năng suất cho cây lúa và các loại cây trồng; mỗi sào đất sản xuất đã tiết kiệm được khoảng 50% chi phí mua phân bón.
Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2025, được Hội Nông dân tỉnh và huyện hỗ trợ 1,1 tấn chế phẩm sinh học và được phân bổ cho 10 chi hội, khuyến khích bà con sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Đặc biệt hiện nay ở xã Xuân Thành có 1 hộ dân đã mạnh dạn đứng ra nhận tích tụ hơn 3 ha đất liền kề để sản xuất lúa chất lượng cao, ngoài thụ hưởng cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh còn được Ban Nông nghiệp và Hội Nông dân xã trực tiếp hướng dẫn quy trình kỷ thuật, hỗ trợ một phần chi phí để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, đảm bảo đủ nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho toàn bộ diện tích, từng bước hình thành mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Từ đó sẽ nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả và quan trọng hơn là bảo đảm môi trường sinh thái, khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ các loại phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất cho người dân.