Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã Thanh Phong tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu bền vững, trong những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Phong luôn thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng uỷ thác đã ký với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương. Đặc biệt, Hội đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho Ban quản lý Tổ TK&VV cũng như các Tổ viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn xã.
Phát huy nguồn vốn vay NHCSXH xây dựng mô hình bí xanh xã Thanh Phong
Hàng năm Hội Nông dân xã đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát 100% các Tổ TK&VV do Hội Nông dân phụ trách, ít nhất 90 % thành viên hộ vay do Hội quản lý theo kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra 100% hộ vay trong vòng 30 ngày sau khi được giải ngân nguồn vốn, các tổ tham gia đầy đủ các cuộc họp bình xét cho vay. Chính vì vậy, nhiều năm liền không xảy ra tình trạng nợ quá hạn, lãi tồn trong các Tổ TK&VV do Hội Nông dân Hội quản lý. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, Hội xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến các thành viên trong Tổ về chương trình, thủ tục, đối tượng vay vốn, quyền lợi và trách nhiệm của người vay vốn, tăng cường đôn đốc Ban quản lý Tổ Tiết kiệm & vay vốn thực hiện việc thu lãi, và thu tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng, đôn đốc tổ viên trả tiền gốc, lãi khi đến hạn; Hội tham gia đầy đủ các họp giao ban với Ngân hàng CSXH huyện vào ngày 07 hàng tháng. Với những việc làm cụ thể trên, dư nợ do Hội quản lý không ngừng nâng lên, tính đến ngày 07/07/2023, Hội Nông dân xã Thanh Phong quản lý 3 Tổ Tiết kiệm & vay vốn cho 112 hộ vay với tổng số dư nợ là 5.699.981.469 đ, tổng số tiền gửi tiết kiệm qua tổ là hơn 349 triệu đồng.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện cơ bản đã giúp cho hội viên nông dân có vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, từ đó nhiều mô hình kinh tế phát triển mang lại hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả của Gia đình anh Nguyễn Hữu Bằng - Chi hội 1 ; mô hình Bí xanh của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Soa - Chi hội 1. Mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Mai – chi hội 5, từ các mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng Nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Thanh Phong vào những năm tiếp theo.
Thời gian tới Hội Nông dân xã Thanh Phong sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nội dung, chương trình do Ngân hàng CSXH huyện triển khai ủy thác, tham gia chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Ngân hàng CSXH về hoạt động tín dụng chính sách; nắm bắt tình hình các hộ gia đình để họp bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng một cách công khai, dân chủ, yêu cầu sử dụng vốn vay đúng mục đích. thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền để hộ vay, và người dân tham gia gửi tiền tiết kiệm nhằm tạo nguồn vốn; tuyên truyền, vận động hộ vay thực hiện tốt trách nhiệm trả lãi, trả gốc và gửi tiết kiệm hàng tháng, nâng cao chất lượng tín dụng góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đảm bảo an sinh xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Thanh Phong trong thời gian tiếp theo.