NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Hoàng Mai Ngư dân gặp khó khăn trong tiêu thụ hải sản
Thứ tư - 01/09/2021 05:031.0560
(Hội NDNA) - Hoàng Mai là địa phương có thế mạnh về kinh tế biển với tỉ trọng ngành ngư nghiệp chiếm tới % trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên thời điểm này do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến sức mua hải sản giảm và đẩy giá mặt hàng này xuống thấp nên việc ra khơi và buôn bán hải sản của bà con ngư dân thị xã Hoàng Mai đang gặp nhiều khó khăn.
Phường Quỳnh Phương có hơn 600 tàu thuyền lớn nhỏ, đa số người dân ở trên địa bàn phường sinh sống bằng nghề biển, buôn bán hải sản, hậu cần nghề cá. Cảng cá Quỳnh Phương thường ngày tấp nập người mua kẻ bán nhưng hiện tại trở nên vắng vẻ, hầu hết tàu thuyền đều neo đậu tại bến. Chỉ một số ít tàu đang chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi, trong đó có tàu của ngư dân Hoàng Văn Côi ở Khối Tân Tiến, phường Quỳnh Phương. Anh Côi cho biết việc ra khơi cũng gặp khó khăn bởi chi phí cho một chuyến biển rất lớn với hơn 130 triệu đồng gồm tets nhanh Covid cho các thuyền viên, nhu yếu phẩm, dầu, đá,.. Nhưng nan giải nhất vẫn là nỗi lo khi khai thác được về nhưng lại không tiêu thụ được. Thế nhưng biết khó khăn là vậy, các ngư dân lại cũng không thể ở nhà mãi bởi tất cả thu nhập của gia đình đều đựa vào nghề biển, nên giờ không ăn thua thì cũng phải đi. Anh Hoàng Văn Côi chia sẻ: “Đoạn tiêu thụ mà hông tiêu thụ được là rất vất vả cho tất cả ai cũng vậy chứ không riêng một cá nhân ai. Rất nguy hiểm ví dụ giờ đi về mà không bán được cá là rất khổ chẳng hạn là hàng tươi sống xe tải đi được cũng mua rẻ, không ăn thua. Giờ không ăn thua cũng phải đi, ở nhà cũng không được”.
Còn tại xã Quỳnh Lập, tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Trên bến chỉ còn những con thuyền neo đậu san sát vắng bóng người. Trên bờ, việc buôn bán hải sản hầu như đều ngừng lại. Các kho đông lạnh lớn ngày thường chất ngập hàng hóa thì nay đều đóng cửa, chỉ còn lại một số cửa hàng bán hải cho bà con trong địa bàn xã. Các mặt hàng hải sản trước đây được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài như Lào, Trung Quốc nay được đưa cho vào kho cấp đông. Một số hải sản khác được phơi khô cho vào kho bảo quản. Do vậy cuộc sống của bà con ngư dân vùng biển Quỳnh Lập cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Trương Thị Hạnh- Chủ đại lí thu mua hải sản, thôn Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cho biết: “Những hàng đẹp thì cho vào kho cấp đông, còn con nào để lâu sợ hư, xấu thì mượn người mổ ra để phơi khô. Tất cả các mặt hàng tươi, luộc hay phơi cũng phải bỏ vào kho đông chờ qua dịch rồi tìm thị trường tiêu thụ. Còn trong lúc này thì khó khăn chung nhưng bản thân chúng tôi là dân buôn bán thì khó khăn rất lớn bởi vì đồng vốn bỏ ra mua hàng hóa mà xuất thì không được”.
Hiện nay trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai có hơn 900 tàu thuyền lớn nhỏ. Sản lượng hàng khai thác 8 tháng đầu năm đạt gần 30 nghìn tấn. Ngư dân ngày càng đóng tàu to máy lớn đánh bắt hải sản ở các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ. Trước kia các sản phẩm đều được xuất khẩu và tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước nhưng nay do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 chỉ được thu mua phục vụ cho thị trường nội địa và chủ yếu bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn. Trước tình hình đó chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho bà con ngư dân trong việc vươn khơi bám biển và tiêu thụ các hải sản của bà con khi đánh bắt về. Ông Lê Bá Kỷ- Phó Chủ UBND xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai nói: “Chính quyền địa phương cũng đã vận động các nhà thu mua chế biến, nhưng đến nay sức chứa của các kho ở Quỳnh Lập đối với sản lượng như vậy là không đủ. Mong các cấp các chính quyền một là cho xe của Quỳnh Lập cấp luồng xanh được test chậm y tế để đi các tỉnh khác để nhập hàng. Đối với tàu về cuối tháng 8 này, đề nghị các cấp các ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh hải sản sử dụng từ 10-20 lao động. Địa phương cũng cam kết sẽ có giấy test nhanh hoặc test chậm để đảm bảo trong chế biến hải sản”.
Như vậy có thể thấy với tình hình ảnh hưởng do dịch Covid 19 hiện nay, để ngư dân Hoàng Mai có thể yên tâm vươn khơi bám biển là bài toán không hề đơn giản. Rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để giúp bà con tháo gỡ khó khăn, bám trụ với nghề, góp phần đảm bảo cuộc sống gia đình cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.