NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Hội Nông dân Nghệ An nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân
Thứ ba - 15/06/2021 22:111.5810
(Hội NDNA) - Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường trên địa bàn nông thôn đã thu được kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống đi đôi với giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Phong trào sạch nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng
Việc gìn giữ môi trường nông thôn hiện nay là điều rất đáng được quan tâm và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân sinh sống trên địa bàn. Để hoạt động đó được đông đảo người dân tham gia Hội Nông dân các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức cho hội viên nông dân dưới nhiều hình thức bằng các mô hình cụ thể như: Trực tiếp tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải ở nông thôn; Xây dựng các lò đốt rác thải mini ở từng hộ gia đình được triển khai hầu khắp các huyện; xây dựng các hố thải ủ là phân vi sinh điển hình như ở huyện Anh Sơn, Thanh Chương,…; phong trào thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Nghĩa Đàn; Phong trào bảo vệ môi trường biển chống rác thải nhựa ở Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu; Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh; Phong trào hàng cây “nông dân ơn Bác”,…
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh rác thải rắn sinh hoạt tại nông thôn chưa được thu gom xử lý triệt để, mới có 12/21 đơn vị cấp huyện triển khai lắp đặt thùng chứa đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Để người dân ý thức hơn vào việc tham gia bảo vệ ruộng đồng xanh, sạch “nói không với vứt chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi”, Hội Nông dân đã tiến hành thành lập các tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng. Hội Nông dân Nghĩa Đàn đã phát động 23/23 cơ sở Hội, 100% hội viên trên địa bàn toàn huyện đồng loạt ra quân thu gom rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên các cánh đồng, ao, hồ, kênh mương.
Thiết thực chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia tuần lễ làm sạch môi trường; Thông qua đó, hai ngành đã phối hợp chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh 212 cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường; các công trình xanh, sạch, đẹp, không rác thải tại các địa phương, đơn vị ,phát động được 898 hoạt động với hơn 83.594 cán bộ, hội viên hội nông dân, hội phụ nữ tham gia tuần lễ vệ sinh làm đẹp cảnh quan, môi trường: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải tại khu vực dân cư, đường làng, ngõ xóm, và các cánh đồng, đặc biệt là ở các điểm bỏ phiếu.
Mặt khác, để môi trường nông thôn ngày một trong xanh, Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào xây dựng hàng cây nông dân ơn Bác. Đây là một trong những phong trào có ý nghĩa lớn, có sức lan tỏa mạnh, tạo hiệu ứng sâu rộng, kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp. Phong trào này nhằm phát huy nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam về“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”; tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện phong trào. Chính trồng cây xanh phủ trắng đồi trọc đã điều hòa được không khí và giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường sống.
Biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh
Để giảm bớt chi phí đầu tư vào sản xuất, trong những năm qua nông dân các cấp đã tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân tận dụng phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp“biến” những phế phẩm đó thành phân hữu cơ vi sinh. Ông Nguyễn Long xã Khai Sơn (Anh Sơn) chia sẻ: “Với cách làm này nông dân chúng tôi giảm được chi phí đầu tư rất lớn. Mỗi năm gia đình tôi ủ phân từ phế phẩm nông nghiệp, phân thải từ trâu bò, lợn, gà đã làm ra được cả tấn phân tha hồ bón cho cây trồng mà không lo ô nhiễm vì hóa chất, tiết kiệm chi phí rất lớn trong sản xuất”.
Để giúp bà con nông dân tận dụng được lượng phế phẩm này một cách hữu ích nhất, Hội Nông dân tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho người dân về cách phân loại rác thải hữu cơ với rác thải vô cơ hàng ngày được các hộ gia đình thu gom vào bao tải để tổ thu gom thu gom đem về bãi rác tập trung để xử lý bằng phương pháp đốt, còn những rác thải hữu cơ được xử lý ngay tại gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình nông dân xây dựng các thùng chứa rác thải tại hộ gia đình, sử dụng các chế phẩm ủ rác và phương pháp xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Chính cách làm này đã bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, cũng như giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Tình trạng người dân sau khi thu hoạch mùa đã trực tiếp đốt rơm rạ ngay trên chính đồng ruộng mình sản xuất, điều đó càng làm cho môi trường không khí thêm ô nhiễm, đất bị chai sần và đặc biệt là những vi sinh vật có lợi cho đất bị chết cho tác động đốt của người dân. Để vấn đề này hạn chế tối thiểu, Hội tuyên truyền với người dân hạn chế đốt rơm rạ trên ruộng, tiếp tục tận dụng những loại cây trồng trong nông nghiệp như cây ngô, cây lạc, gốc khoai,… đưa về ủ để làm phân bón cho cây trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, không khí và nước. Đồng thời, từ nguồn phế phẩm đó lại giúp mình giảm bớt chi phí mua phân trong quá trình sản xuất. các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông mô hình này đang được nhân rộng và hiệu quả.
Thời gian tới, “Hội Nông dân tiếp tục tích cực tham gia bảo vệ và cải thiện môi trường làng nghề, bảo vệ các lưu vực sông, môi trường biển, trồng và bảo vệ rừng. Phấn đấu mỗi cơ sở hội xây dựng 01 mô hình chi hội sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; 01 chi hội có 01 hàng cây và 01 vườn cây ơn Bác; mỗi chi hội thành lập được 01 tổ tổ thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.Mỗi chi hội xây dựng 01 mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”; 70% hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh”, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm.