Nghệ An đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu

Chủ nhật - 26/05/2024 21:55
(Hội NDNA) - Đến nay, Nghệ An đã thu hoạch được gần 80.000 ha lúa vụ xuân. Vừa tập trung hoàn thành thu hoạch lúa xuân, bà con nông dân các địa phương cũng đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa vụ hè thu, tranh chấp với mưa, lụt cuối vụ.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi

Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương có tiến độ thu hoạch lúa xuân nhanh và sớm nhất tỉnh. Từ 20/5, trên đồng ruộng chỉ còn cảnh nông dân tập trung làm đất, gieo cấy lúa hè thu.

Là xã vùng trũng thấp của huyện, năm nào sản xuất lúa hè thu ở xã Diễn Thái (Diễn Châu) cũng được đẩy nhanh theo tiến độ, thu hoạch lúa xuân đến đâu là gieo cấy lúa hè thu ngay đến đó. Gia đình có 5 sào ruộng, hiện tại bà Trần Thị Nga ở xóm 8 đã thuê người ra đồng cấy lúa. “Tôi đã bắc mạ lúa xuân đỏ đuôi nên bữa nay cấy được rồi, cuối vụ hay bị úng ngập nên cấy sớm, gặt sớm chừng nào tốt chừng đó. Mấy ngày nay trời mát, chỉ có mưa nhỏ nên gieo cấy rất thuận lợi”, bà Nga cho hay.

Từ giữa tháng 5, xã Diễn Thái đã thu hoạch xong lúa vụ xuân, toàn xã phấn đấu gieo cấy 368 ha lúa hè thu, không bỏ hoang diện tích. Bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết: Lịch gieo mạ của xã là từ ngày 5-15/5, trừ một số rất ít gia đình do quá khó khăn về lao động mới gieo thẳng, còn lại toàn xã sẽ cấy đại trà từ ngày 25- 27/5. Hiện tại, cơ bản diện tích lúa xuân đã được gieo cấy xong, chỉ trong ngày 27/5 sẽ khép kín. Năm nay, dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc đã hoàn thành nên không bị đóng nước nữa, nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho làm đất và gieo cấy lúa.

Ông Võ Anh Khoa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến nay, huyện Diễn Châu đã gieo cấy được gần 5.000 ha lúa. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ sản xuất 6.410 ha, giảm 2.368 ha so với vụ xuân. Đây là những diện tích đất 2 lúa, khó khăn về nguồn nước vùng hồ, đập các xã Diễn Lâm, Diễn Vạn, Diễn Phong; một số diện tích bị bỏ hoang do người dân không mặn mà sản xuất mà đi làm thuê cho thu nhập cao hơn. “Muốn chuyển sang trồng cây khác cũng rất khó do không có nước, vì thế, trong kế hoạch của huyện năm nay chỉ chuyển đổi được 30 ha”, ông Võ Anh Khoa cho biết thêm.

Hiện thời tiết rất thuận lợi cho gieo cấy lúa hè thu, không có nắng nóng, nguồn nước đủ nên huyện Diễn Châu đang tập trung khép kín sản xuất. Tại nhiều xã, lúa xuân đã cơ bản được gieo cấy xong; trong hơn 300 ha gieo thẳng, một số diện tích đã được gieo sau khi dập xong rơm rạ và làm đất, chủ yếu tập trung ở xã Diễn Phú và rải rác tại các xã Diễn Lộc, Diễn Lợi.

Đến nay, huyện Thanh Chương đã bắc được gần 40 ha mạ, tại các xã Thanh Hòa, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Lĩnh… ; gieo thẳng gần 380 ha tập trung tại các xã Thanh Tiên, Thanh Hà, Đồng Văn và Ngọc Sơn... Theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: Xác định sản xuất lúa hè thu luôn khó khăn nhiều hơn thuận lợi, hạn hán đầu vụ và ngập úng cuối vụ, nên huyện tập trung bố trí các giống lúa có thời gian sinh trưởng càng ngắn càng tốt, có tính chống chịu hạn và sâu bệnh, cơ cấu theo vùng tập trung để hạn chế sâu bệnh phá hoại.
 

“Song song với thu hoạch lúa vụ xuân, chúng tôi chỉ đạo tập trung phát dọn bờ vùng, bờ thửa, diệt chuột và ốc bươu vàng để đảm bảo xuống giống thuận lợi. Khơi thông hệ thống kênh mương, đặc biệt những vùng đã có nước ra thì phải tập trung lấy nước để giữ nước cho đầu vụ sản xuất. Khung thời gian giữa thu hoạch lúa vụ xuân và triển khai gieo cấy lúa hè thu rất gần nên nguy cơ ngộ độc hữu cơ xảy ra rất lớn, do đó, huyện chỉ đạo tập trung làm đất sớm, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân giải độ hữu cơ trên đồng ruộng”, ông Lê Đình Thanh cho biết.

Sản xuất an toàn, hiệu quả

Vụ hè thu năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo cấy 56.800 ha lúa. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 15.000 ha, chủ yếu ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn... Với dự báo tình hình hạn hán đầu vụ, cuối vụ xảy ra mưa bão, giông lốc, nên các địa phương đều tập trung, khẩn trương gieo cấy lúa hè thu với phương châm “càng sớm càng tốt” và đặt an toàn, hiệu quả lên trên hết.

Đến nay huyện Hưng Nguyên đã cơ bản thu hoạch lúa vụ xuân, toàn huyện đã cấy gần 300 ha và gieo thẳng gần 500 ha, tập trung tại các xã Châu Nhân, Hưng Phúc, Hưng Thành, Hưng Tân, Hưng Lĩnh… Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Chúng tôi tập trung chỉ đạo các xã, trong quá trình sản xuất tuyệt đối không được tháo nước, chủ động bơm nước để tích trữ trên hệ thống kênh mương, ao, hồ, tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa hè thu. Đặc biệt, với vùng sâu trũng, vận động bà con bắc mạ cấy từ khi chuẩn bị thu hoạch lúa vụ xuân chứ không gieo thẳng. Những diện tích không đủ nước sẽ chuyển sang lúa mùa, những chân đất có thành phần cơ giới nhẹ sẽ chuyển sang trồng các loại hoa màu.
Với mục tiêu an toàn và hiệu quả được đặt lên hàng đầu, ngành Nông nghiệp đã xây dựng khung thời vụ cụ thể, sát đúng với điều kiện từng vùng sản xuất. Trong đó, khoảng 9.000 ha có nguy cơ ngập lụt cao ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành, Thanh Chương… phải bố trí gieo cấy sớm để thu hoạch trước 30/8. Các huyện cần tập trung thu hoạch nhanh gọn những diện tích lúa đã chín, xem xét thời điểm thu hoạch lúa vụ xuân, khả năng phân phối nước để chọn thời điểm ra mạ, gieo thẳng và cơ cấu giống để khép kín diện tích và tránh mưa lụt, bão, áp thấp nhiệt đới cuối vụ.

Đặc biệt, vụ hè thu - mùa là vụ sản xuất có khoảng thời gian giữa 2 vụ ngắn, chất hữu cơ trên ruộng chưa phân hủy hết, do vậy, để đảm bảo an toàn, hiệu quả cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy gốc rạ tránh ngộ độc hữu cơ; cày bừa kỹ; bón phân hợp lý, nặng đầu, nhẹ cuối.

Đồng thời, sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, gieo cấy đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Tổ chức chỉ đạo sản xuất một cách kịp thời, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, phát huy tốt các nguồn lực để hướng dẫn, triển khai thực hiện. Các địa phương và đơn vị thủy nông phải chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước, lịch tưới của các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước cho sản xuất.
 

Những vùng đã có nước ra phải tập trung lấy nước để giữ nước cho sản xuất. Thời điểm nắng nóng, đất bị khô hạn thì huy động mọi giải pháp để ưu tiên tưới trên những diện tích lúa đã gieo cấy để bảo vệ những diện tích đã gieo cấy, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Đặc biệt, cần đề phòng thiếu nước cục bộ và xâm nhập mặn xảy ra tại các huyện đồng bằng ven biển.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh: Trong vụ hè thu, dự báo các loại vi sinh vật gây hại chính sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường. Thời kỳ đầu vụ, khả năng ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, ngộ độc hữu cơ,... sẽ gây hại trên diện rộng, cục bộ một số vùng bị gây hại nặng, do đó, các địa phương và nông dân cần tập trung phát dọn bờ vùng, bờ thửa, khơi thông hệ thống kênh mương, tập trung diệt chuột, ốc bươu vàng để có thể đảm bảo xuống giống an toàn./.

Phú Hương Bảo An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay11,123
  • Tháng hiện tại323,680
  • Tổng lượt truy cập15,464,562
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây