KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY XÔ VIẾT NGHỆ - TĨNH

Thứ sáu - 11/09/2020 12:29
(Hội NDNA) - Xô Viết Nghệ - Tĩnh là tên gọi chung cho phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong giai đoạn 1930-1931 chống lại đế quốc Pháp, lần đầu tiên giành chính quyền về tay nhân dân. Các Xô viết thực hiện vai trò của một chính quyền mới của giai cấp công nông thay cho bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến. Do ra đời ở Nghệ An và Hà Tĩnh nên được gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, là một hình thức mới về tổ chức chính quyền nhà nước của lực lượng nông dân và công nhân.

“Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước

Nọ Thanh Chương tiếp bước tiến lên

Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên

Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”

(Bài ca cách mạng - Đặng Chánh Kỷ)

Với vị trí nằm giữa trục đường bộ Bắc-Nam và tuyến đường giao thông từ biển Đông kết nối với các nước Đông Dương nên từ những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã xây dựng Vinh thành một khu công nghiệp lớn của Trung Kỳ với hơn 20 nhà máy, tập trung trên 7.000 công nhân. Trong đó riêng khu vực Bến Thuỷ có tới 7 nhà máy như nhà máy sửa chữa toa xe Trường Thi, nhà máy Diêm, nhà máy Đèn,…  để vơ vét tài nguyên cho nền kinh tế nước Pháp đang lao đao sau khủng hoảng kinh tế thế giới và phục vụ cho âm mưu chiếm đóng lâu dài Việt Nam, Lào và Campuchia, làm cho đời sống người dân bản địa trở nên cơ cực, nhất là ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, chính vì vậy những người dân ở đây đã phản kháng lại chính sách này để giành quyền dân sinh, dân chủ.

Từ đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân và quần chúng lao động Vinh - Bến Thuỷ đã diễn ra hết sức mạnh mẽ. Từ tháng 3/1930, công nhân nhiều nhà máy đã đình công đòi bọn chủ phải tăng tiền công, giảm thời gian làm,… Ngày 1/5/1930, hàng ngàn nông dân làng Yên Dũng Hạ, Yên Dũng Thượng, Lộc Đa, Đức Hậu, An Hậu kéo vào thành phố phối hợp với công nhân Vinh-Bến Thuỷ tổ chức biểu tình tuần hành để đòi chính quyền thực dân phải giải quyết các quyền lợi cho thợ thuyền và dân cày. Hoảng hốt trước khí thế của quần chúng, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, bắn giết dân cày và thợ thuyền, giải tán biểu tình. Noi gương thợ thuyền và dân cày Vinh-Bến Thuỷ, ngay sau đó hàng loạt các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động đã nổ ra nhiều nơi thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, để rồi từ đó tạo nên cao trào cách mạng có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Từ tháng 9/1930, nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc, Hưng Nguyên, v.v... liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình vũ trang tự vệ quy mô lớn kết hợp với các yêu sách chính trị làm cho bộ máy chính quyền thực dân Pháp và bộ máy chính quyền của nhà Nguyễn lâm vào tình trạng tê liệt và tan rã. Đỉnh điểm là ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên kéo về phủ lị và trương các khẩu hiệu như: Bỏ sưu thuếbớt giờ làmchống khủng bố trắngbồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái,... thậm chí là chia lại ruộng đấtĐả đảo chủ nghĩa đế quốcĐả đảo phong kiến. Đoàn biểu tình càng đi càng thu hút thêm quần chúng, khi đến gần thành phố Vinh số người tham gia đã lên tới khoảng 30.000. Chính quyền thực dân Pháp đã phản ứng đáp trả mạnh mẽ, kiên quyết trấn áp bằng lực lượng vũ trang, thậm chí dùng cả máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và 125 người bị thương. Tuy vậy hành động trên không ngăn được đoàn người biểu tình đấu tranh. Người biểu tình kéo về huyện lỵ, phá nhà lao, đốt huyện đường, vây đồn lính. Điều này đã làm cho hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến tan rã ở nhiều huyện, xã. Dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức nông hội (xã bộ nông) ở những nơi chính quyền cũ tan rã đã kiểm soát tình hình và thành lập chính quyền mới với hình thức giống như hệ thống Xô viết ở Liên bang Xô viết. Các chính quyền xô viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, ra yêu sách cải thiện điều kiện lao động với các chủ xưởng, chủ tàu ở vùng này. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng để khủng bố, đàn áp, tiêu diệt phong trào. Đến giữa năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dần lắng xuống, rồi thoái trào và cuối cùng đi đến thất bại.

Mặc dù chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn song đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời (3/2/1930), sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương (từ tháng 10/1930), tạo ảnh hưởng vang dội trong cả nước và thế giới, được đánh giá là đỉnh cao của phong trào Cách mạng Việt Nam trong những năm 1930-1931. Tuy phong trào bị đế quốc Pháp dìm trong biển máu, nhưng Xô viết Nghệ-Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Mặc dù thất bại nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành một bài học quí báu về chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi sau này, đập tan chính quyền thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Phạm Quốc Hùng

 Tags: lịch sử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay34,861
  • Tháng hiện tại606,530
  • Tổng lượt truy cập15,747,412
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây