NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Khi nông dân là những triệu phú
Thứ ba - 13/09/2022 04:146930
(Hội NDNA) - “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sâu rộng. Phong trào ngày càng có sức lan tỏa đã tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trong hội viên, nông dân.
Vượt khó, làm giàu
Thanh Mai là một trong những xã khó khăn bậc nhất của huyện Thanh Chương với diện tích đồi núi nhiều, điều kiện đi lại không thuận lợi. Từ những năm 2000, ông Nguyễn Văn Đường - ở xóm Trường Sơn đã gây bất ngờ với cả xóm khi đứng ra nhận 46 ha đất đồi cằn cỗi để trồng chè. Nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ hội nông dân, đồi chè của ông Đường nhanh chóng phát triển. Vùng đồi cằn cỗi được bao phủ bởi màu xanh ngút tầm mắt của chè. Có lưng vốn từ chè, ông Đường mạnh dạn vay vốn xây dựng xưởng chế biến, thu mua nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân trong vùng... Với cách làm đó, từ một hộ khó khăn, đến nay ông Đường đã trở thành “ông chủ” với cơ ngơi gồm 46 ha chè nguyên liệu, nhà xưởng chế biến rộng 4000 m2 với nguồn vốn đầu tư 22 tỷ đồng, công suất hoạt động 45 tấn/ngày; tạo việc làm cho 10 công nhân chuyên nghiệp với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng và 30 công nhân làm việc thời vụ tại địa phương.
Hàng năm, gia đình ông kèm cặp giúp đỡ 2 -3 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xóm bằng hình thức tạo việc làm, cho mượn đất để sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Với vai trò là tổ trưởng tổ nghề nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè xanh Thanh Mai, ông đã kiên trì vận động các thành viên trong tổ hội chuyển đổi tư duy sản xuất từ hướng quảng canh sang thâm canh, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, hình thành các vùng chè an toàn theo hướng VietGAP. “Nếu muốn cây chè phát triển bền vững, không mất giá, khẳng định được thương hiệu thì chỉ cách duy nhất là sản xuất sạch. Trước mắt, có thể còn có khó khăn song về lâu dài, đây là hướng đi tất yếu để tồn tại, thích ứng với nhu cầu của thị trường; ứng phó với giá vật tư, phân bón, đầu vào cho cây chè ngày một tăng”- ông Đường chia sẻ.
Từ trăn trở đưa đặc sản gà đen, lợn đen, bò Mông trở thành hàng hoá, năm 2016, ông Vừ Tồng ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn bắt đầu làm kinh tế với con gà đen bản địa. Từ nguồn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 30 triệu đồng, ông dành để sưu tầm giống gà đen bản địa trong các bản làng, số tiền còn lại ông mua 1 máy ấp trứng công suất 600 quả/lượt, cùng với tu sửa chuồng, vườn, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vườn ông khoanh để nuôi gà. Lứa gà đầu thành công, ông tiếp tục tạo giống, đồng thời sưu tầm thêm gà trống, mái thuộc dòng thuần chủng gà đen bản địa, phát triển đàn gà thịt trong chuồng từ 300 - 700 con. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi trâu bò và trồng cây ăn quả. Sản lượng bình quân hàng năm gia đình ông xuất bán 3 tấn gà thịt, 200 con giống gà đen, 15 con bò, 30 tấn mận, đào. Doanh thu bình quân hàng năm 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận 750 triệu đồng.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều tấm gương không cam chịu đói nghèo quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách. Điển hình như hộ gia đình chị Trần Thị Hương ở xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất đồi kém hiệu quả sang đầu tư trồng bưởi, kết hợp với nuôi dúi, lợn, vịt trời, đạt doanh thu 900 triệu đồng/năm, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên. Hộ gia đình anh Lo Văn Dân người dân tộc Ơ đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp, lợi nhuận đạt 810 triệu đồng/năm; hàng năm tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và lao động thời vụ tại địa phương; hỗ trợ giúp đỡ cho 5 hộ nghèo.
Ở lĩnh vực thủy, hải sản, có hộ gia đình anh Lê Hội Hưng, phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, từ mô hình “Dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác hải sản xa bờ” đến nay, gia đình anh đã thành lập Hợp tác xã Đoàn kết với quy mô: 1 cơ sở sản xuất đá lạnh, 1 cửa hàng xăng dầu, có 16 con tàu khai thác hải sản xa bờ, doanh thu đạt từ 20 đến 25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 140 lao động. Hộ gia đình anh Nguyễn Hồng Cương ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đã ứng dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư nguồn vốn vào sản xuất với quy mô 1,5 ha nuôi tôm giống, 18ha nuôi tôm thịt, hàng năm cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 500-600 triệu con tôm giống và khoảng 250 tấn tôm thịt, doanh thu hàng năm đạt 40-60 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 6-10 tỷ đồng/năm, hàng năm tạo việc làm cho khoảng 40-50 lao động. Trong lĩnh vực lâm nghiệp có hộ gia đình anh Hoàng Văn Việt ở xóm 4, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương với mô hình trồng rừng và cây ăn quả, nuôi cá nước ngọt, doanh thu bình quân hàng năm đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 6,2 tỷ đồng; tạo việc làm cho 40-50 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy tinh thần đoàn kết
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được các cấp hội trong tỉnh quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn 2017-2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chiếm trên 63% so với số hộ nông dân; việc bình xét và công nhận hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng chất lượng, sát thực. Đến nay, số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 146.708 hộ, chiếm 56% hộ hội viên nông dân đăng ký. Từ những kết quả hoạt động của phong trào đã góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được gắn sao OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như: Tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần, lạc sen Diễn Châu, cam Vinh,… trên cơ sở đó đã tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng như: Làng nghề nước mắm Hải Giang, Tương Nam Đàn, Gạo thảo dược Vĩnh Hòa, Mộc dân dụng, Cu đơ - Kẹo lạc Đô Lương,…
Đặc biệt, phong trào đã khuyến khích, động viên các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đoàn kết giúp nhau làm giàu, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đảm nhận giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; hàng năm các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho gần 1 triệu lượt lao động; giúp đỡ có hiệu quả trên 95.000 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã và đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành “điểm sáng” trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội ở nông thôn. Nhất là phong trào đã có sức thu hút và tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Thông qua phong trào, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả tỉnh tích cực hưởng ứng và đóng góp vật chất để xây dựng nông thôn mới ở địa phương.