Đổi mới cách hỗ trợ mô hình vùng miền núi, dân tộc thiểu số

Thứ tư - 13/10/2021 03:09
(Hội NDNA) - Mô hình hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới chăn nuôi lợn bản địa do Hội Nông dân tỉnh và Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp thực hiện theo đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới” đang cho thấy hiệu quả và cách làm hay.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn đen

Lâu nay, việc triển khai xây dựng mô hình kinh tế cho vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số có tình trạng nhiều mô hình “chết yểu”. Nghĩa là khi hết nguồn lực tác động, gồm nguồn lực tài chính và nguồn lực con người trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thì mô hình đó cũng không còn. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai mô hình hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới chăn nuôi lợn bản địa do Hội Nông dân tỉnh và Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp thực hiện theo đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới” đang cho thấy hiệu quả và cách làm hay.
 
img 3754
Lãnh đạo Hội  Nông dân tỉnh thăm quan mô hình nuôi lợn đen. Ảnh Mai Hoa

Gia đình ông Lương Văn Đoài là một trong những hộ nghèo, khó khăn ở bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Năm 2018 được Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hỗ trợ 2 con lợn đen, 1 nái, 1 đực làm giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Ông Lương Văn Đoài cho biết: Bình quân mỗi năm 2 lứa đẻ, phần bán lợn con, phần để lại nuôi lợn thịt và số lợn thịt duy trì trên dưới 10 con/lứa, kết hợp chăn nuôi gà, trồng rau, gia đình có ổn định cuộc sống ổn định hơn.

Ở xã Ngọc Lâm, ngoài gia đình ông Đoài còn có 50 hộ được Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hỗ trợ con giống, mỗi hộ được hỗ trợ 1 con nái, 1 con đực. Trung tá Nguyễn Tư Hoá - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ngọc Lâm chia sẻ: Cùng với việc hỗ trợ giống lợn, điều quan trọng là trong quá trình nuôi, Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng thường xuyên lui tới các hộ dân kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cách tìm kiếm thức ăn và chăm sóc để lợn phát triển nhanh. Và đồng thời sâu sát với dân, với mô hình để đảm bảo hiệu quả. Thông qua việc cung cấp giống cho người dân, bên cạnh hỗ trợ cho người dân có một phương thức sản xuất và thu nhập ổn định, khắc phục tính “trông chờ, ỷ lại” còn góp phần nhân rộng, phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn từ những con giống mà các hộ dân được nhận hỗ trợ.

Đề án “Xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản cung cấp con giống cho nhân dân khu vực biên giới” do Hội Nông dân tỉnh và Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp triển khai từ năm 2016. Theo chia sẻ Đại tá Trần Đăng Khoa - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến thời điểm này, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được 20 cơ sở chăn nuôi lợn nái địa phương sinh sản để cung cấp con giống cho bà con khu vực biên giới tại 20 đồn Biên phòng với hàng nghìn hộ dân được nhận hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỷ thuật chăn nuôi và duy trì đàn lợn nuôi. Dù 2 năm qua ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, một số đồn Biên phòng như ở Phúc Sơn (Anh Sơn), Mỹ Lý (Kỳ Sơn) mô hình bị “xoá sổ” hoàn toàn, nhưng phải khẳng định đây là dự án đem lại hiệu quả trực tiếp cho người dân vùng biên giới. Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất với Hội Nông dân tỉnh phối hợp, hỗ trợ để triển khai xây dựng một số cơ sở chăn nuôi gà, bò, dê để vừa cung cấp con giống, vừa hỗ trợ kỷ thuật và giám sát thường xuyên thông qua các đồn Biên phòng cho đồng bào phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh biên giới vững chắc.

Thay đổi cách hỗ trợ mô hình

Quan tâm đầu tư, hỗ trợ vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trượg chung của Đảng và Nhà nước. Thực tiễn ở Nghệ An, thời gian qua, nhiều chủ trương của tỉnh và nhiều đề án, mô hình cũng của các ngành cũng ưu tiên tập trung tại vùng này, trong đó có mô hình, dự án hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình cây, con nhằm phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên không phải mô hình nào cũng duy trì và phát triển bền vững. Đối với Hội Nông dân tỉnh, qua đánh giá các mô hình được triển khai vài năm trở lại đây tại các địa phương đều cơ bản duy trì và phát triển bền vững sau hỗ trợ.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng, phương pháp triển khai mô hình được gắn trách nhiệm cán bộ hội nông dân từ tỉnh đến cơ sở bám sát, hướng dẫn, chỉ đạo và phải thực sự để tâm vào đó, còn nếu tư duy mang tính “chỉ điểm” xã này, xã kia được hỗ trợ một mô hình rồi yêu cầu cơ sở hoàn thiện hồ sơ thủ tục để “rót” nguồn hỗ trợ thì rất khó.
 
mo hinh nuo de sinh san 3
Mô hình nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh Mai Hoa

Yếu tố quan trọng trong chỉ đạo mô hình là lựa chọn đối tượng thực hiện mô hình. Thay hỗ trợ người nghèo, cận nghèo thì Hội Nông dân tỉnh tập trung lựa chọn hộ có mong muốn, khát vọng làm kinh tế và có những kiến thức sản xuất nhất định, tránh làm mô hình theo kiểu “ép” dân làm. Từ thành công mô hình để lan toả, nhất là đối với các hộ nghèo, khi thấy hiệu quả thì họ sẽ làm theo nhanh hơn việc chỉ đạo mô hình. Mặt khác, quan điểm hỗ trợ mô hình là không cho không hoàn toàn, mà có sự đóng góp một phần kinh phí của người dân, như trong hỗ trợ mô hình gà, thì người dân phải bỏ kinh phí làm chuồng trại trước đã thì mới được hỗ trợ con giống, thức ăn để chăn nuôi. Khi người dân bỏ ra một phần nguồn vốn thì họ sẽ có ý thức làm để không bị mất số tiền mình tự bỏ, mà như vậy thì hộ nghèo, người nghèo ít có điều kiện bỏ tiền ra hoặc họ không muốn bỏ ra khi chưa biết hiệu quả.

Để đảm bảo mô hình phát triển bền vững, Hội Nông dân tỉnh cũng tập trung hỗ trợ thực hiện các cây, con, sản phẩm mang tính truyền thống, tập quán sản xuất của người dân và trong định hướng phát triển sản phẩm hàng hoá của các huyện, thị xã để người dân dễ tiếp cận và huy động sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Gắn với hỗ trợ xây dựng mô hình, Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề và ưu tiên hỗ trợ nguồn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, đảm bảo “học đi đôi với hành”. Với cách làm đó, nhiều mô hình do Hội Nông dân tỉnh xây dựng đang phát triển bền vững. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà đen tại xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) nay đã phát triển thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mường Lống. Hay mô hình cải tạo diện tích trồng keo sang trồng bưởi, ổi tại xã Thanh Hoà (huyện Thanh Chương); hay mô hình nuôi dê tại xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông); chăn nuôi gà tại xã Yên Thắng (huyện Tương Dương); nuôi bò 3B tại xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn)… Hiện tạị Hội đang tiếp tục triển khai các mô hình nuôi vịt bầu cổ rụt tại xã Châu Nga (huyện Quỳ Châu); mận Tam hoa  tại huyện Kỳ Sơn; mô hình trồng cam xen ổi tại xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương)…

Với việc thay đổi cách hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế vùng miền núi, đồng bào dân tộc của Hội Nông dân tỉnh hiên nay, ngoài góp phần tạo sinh kế bền vững cho những người nông dân trực tiếp làm mô hình và lan toả ra cộng đồng thì cũng đóng góp vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
 

Mai Hoa

Báo Nghệ An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập300
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại667,904
  • Tổng lượt truy cập16,542,494
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây