Tăng nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn: Hải sản tươi ngon giá không tăng

Thứ ba - 24/12/2019 20:38
Tăng nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn: Hải sản tươi ngon giá không tăng
Có nhiều sản phẩm chất lượng thay thế nên việc giá lợn tăng phi mã không phải là chuyện quá to tát với người dân trên địa bàn Nghệ An.

Một trong những mặt hàng được ưu tiên chọn lựa chính là hải sản.

15-11-05_1
Nguồn hải sản Quỳnh Phương rất phong phú.

Với quy mô hàng năm trên 1 triệu con, Nghệ An có tổng đàn lợn thuộc diện tốp đầu cả nước. Nhờ chủ động trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nên tình hình cơ bản trong tầm kiểm soát, hiện toàn tỉnh đang duy trì trên dưới 930.000 con, chỉ giảm khoảng 10%.

Ổn định mức trên, nhìn chung địa phương vẫn đảm bảo có đủ sản lượng thịt để cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, việc giá thịt lợn tăng phi mã trong thời gian qua đang khiến người tiêu dùng đắn đo. Nhiều hộ ưu tiên chuyển hướng sang những sản phẩm khác với mức giá “mềm” hơn, một trong số đó là mặt hàng hải sản.

Ngay từ sáng sớm tinh mơ, khung cảnh huyên náo đã bao trùm rộng khắp Cảng cá Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Tàu thuyền thi nhau cập bến kéo theo những mẻ lưới trĩu nặng, tiếng người mua kẻ bán vang lên không ngớt, trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi toát lên vẻ hài lòng.

Chia sẻ cùng NNVN, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quỳnh Phương, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định: “Phường Quỳnh Phương có thế mạnh phát triển kinh tế biển, từ lâu người dân đã chủ động nắm bắt lợi thế để từng bước nâng cao nguồn thu. Sau khi cảng cá đi vào hoạt động tình hình càng thêm phần khởi sắc, bên cạnh sự chuyển biến về mặt ý thức thì kết quả kinh doanh cũng thay đổi rõ rệt.

Nguồn hàng đa dạng, thương hiệu sản phẩm được biết đến rộng rãi nên quá trình tiêu thụ diễn tiến rất thuận lợi. Thông thường giao dịch diễn ra lúc 2h sáng, kéo đến 8 - 9h mới cơ bản hoàn tất. Những ngày này nhu cầu tiêu thụ của người dân có chiều hướng tăng mạnh”.

Theo tìm hiểu của PV, chi phí xây dựng Cảng cá Quỳnh Phương vào khoảng 70 tỷ đồng, công trình này được trang bị đầy đủ hệ thống thiết yếu (nhà phân loại cá, khu sửa chữa ngư lưới cụ, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước ngọt, hệ thống xử lý rác thải tập trung…), cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các cá nhân, tập thể liên quan.

Trước, phần đa ngư dân hoạt động theo hình thức phân tán, nhỏ lẻ, họ chủ yếu giao dịch tại các bến cũ của địa phương, công tác quản lý nhìn chung còn tồn tại nhiều bất cập. Từ 1/9/2019 cảng cá chính thức hoạt động, chỉ qua 3 tháng ngắn ngủi đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tính đến hiện tại đã có 11 đơn vị ký cam kết, thuê mặt bằng kinh doanh lâu dài, cùng với đó là việc tiêu thụ được kết nối chặt chẽ, phù hợp hơn.

Riêng khu vực cảng, bình quân hàng ngày có hàng chục phương tiện quy mô (công suất 800 CV trở lên, chiều dài từ 15 - 24m) vào xả hàng. Không riêng gì tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Phương, nhiều tàu cá ở các tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Thanh Hóa hay Nam Định cũng tranh thủ tìm về.

Nhu cầu tiêu thụ hải sản đang tăng nhanh.
"Đành rằng thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong bữa cơm của người Việt, thế nhưng trong bối cảnh giá thịt cao như hiện tại thì rất khó để duy trì thường xuyên. Trước mắt gia đình tôi sẽ ưu tiên lựa chọn những sản phẩm khác. Hải sản là ưu tiên hàng đầu, mặt hàng này rất đa dạng nên dễ luân phiên thay đổi từng ngày”, chị Trần Thị Phương, trú tại thị xã Hoàng Mai nêu quan điểm.

Phục vụ thị trường nội địa lẫn nhu cầu xuất khẩu (cá thèn chỉ, cá mú, cá chai, thờn bơn, bạc má, đốm đục, cá lưỡi rìu…) dễ hiểu vì sao các mặt hàng hải sản do người dân Quỳnh Phương khai thác lại dễ dàng chiếm trọn lòng tin của số đông.

Qua khảo sát, giá cá không tăng vì được biển, cá bạc má ngư dân sáng sớm đi đánh bắt trưa về bán cá tươi rói giá chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg, đốm chạch loại to trên dưới 40.000 đồng/kg, cá lưỡng 50.000 đồng/kg, cá eo 30.000 đồng/kg, đốm gai 40.000 đồng/kg; cao cấp hơn, cá thu loại 1 giá khoảng 180.000 đồng/kg, loại 2 từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, loại 3 110.000 - 120.000 đồng/kg; mực lá tươi ngon 330.000 đồng/kg, mực nang bán lẻ giá suýt soát 200.000 đồng/kg…

“Phải khẳng định nguồn hàng nơi đây rất phong phú và đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả lại phù hợp với túi tiền của người dân. Tại khu vực Quỳnh Phương bình quân 1 ngày tiêu thụ đến 25 tấn sản phẩm các loại”, ông Trung nhấn mạnh thêm.

Về phía doanh nghiệp cũng tỏ rõ sự hồ hởi, ông Mạch Quang Cường, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Ngọc Cường chia sẻ: Bên cạnh việc mở rộng thị trường nội địa, hiện tại đơn vị đang tiến hành xuất khẩu một lượng lớn cá lưỡi rìu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khoảng thời gian từ tháng 3 - 9 (âm lịch) chúng tôi thu mua được tổng cộng 300 tấn, dù đã qua giai đoạn cao điểm nhưng có những con nước vẫn dư sức gom được lượng hàng ưng ý.

VIỆT KHÁNH

Nguồn tin: Hội NDNA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Hôm nay28,884
  • Tháng hiện tại707,309
  • Tổng lượt truy cập15,848,191
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây