Bưởi chuẩn bị được phép đi Mỹ, chanh leo sẵn sàng

Thứ hai - 02/03/2020 02:39
Bưởi chuẩn bị được phép đi Mỹ, chanh leo sẵn sàng
Trong năm 2020, Hoa Kỳ cam kết sẽ mở cửa cho bưởi Việt Nam, đồng thời sớm nghiên cứu mở thêm quả chanh leo và nhiều loại trái cây khác.
Ngày 1/3, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác sang Hoa Kỳ. Đây là chuyến công tác nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác và trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước.

Bưởi Việt Nam sang Mỹ, bưởi Mỹ sang Việt Nam

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), thành viên đoàn công tác cho biết: Mục đích chính của chuyến công tác nhằm thúc đẩy mạnh hơn hoạt động thương mại hai chiều về các mặt hàng nông sản mà hai bên đang quan tâm.

Trong đó, phía Việt Nam mong muốn nhập khẩu những mặt hàng nông sản mà Mỹ có thế mạnh còn Việt Nam không có lợi thế. Về phía Cục Bảo vệ Thực vật, sẽ cùng với APHIS (Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ) tiếp tục đàm phán, tháo gỡ một số vấn đề về mặt kỹ thuật đối với một số mặt hàng nông sản của hai bên.

Một là mở cửa thị trường đối với cây lúa miến (cao lương) của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam. Đây là mặt hàng mà Việt Nam không sản xuất được, và đã được hai bên đàm phán mở cửa trong nhiều năm gần đây.

Về cơ bản, hai bên đã thống nhất về mặt kỹ thuật, hiện chỉ còn khâu đàm phán về biện pháp xử lí trước khi xuất khẩu sang Việt Nam. Lúa miến (hay cao lương) là mặt hàng hiện chưa có nhiều nhu cầu sử dụng tại Việt Nam, tuy nhiên trong tương lai, có thể có nhu cầu nhập khẩu để thay thế một phần đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại nước ta.


Mặt hàng thứ hai mà Hoa Kỳ muốn xuất khẩu sang Việt Nam, đó là quả bưởi chùm. Đây là mặt hàng mà xét về thị hiếu, người tiêu dùng Việt Nam không có nhiều ưa chuộng, tuy nhiên phía Hoa Kỳ vẫn có mong muốn được xuất khẩu mặt hàng này sang nước ta. Ở chiều ngược lại, phía Việt Nam cũng đã đề nghị được xuất khẩu bưởi của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Theo đó, cả hai bên đã đồng ý thống nhất trong năm 2020, sẽ chính thức cho phép lẫn nhau để bưởi chùm của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam và bưởi Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ. Hiện tất cả các khâu đàm phán kỹ thuật đối với quả bưởi của cả hai bên đều đã được hoàn tất.

Sản phẩm thứ ba đó là quả đào và quả xuân đào, phía Việt Nam cam kết trong năm 2020, sẽ hoàn tất báo cáo đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) để gửi cho phía Hoa Kỳ nhằm hoàn thiện các bước tiếp theo.

Tăng cường hợp tác kiểm dịch thực vật

Ông Hoàng Trung cho biết thời gian vừa qua, Cục Bảo vệ Thực vật rất tích cực trong việc đánh giá nguy cơ dịch hại đối với hai loại quả khác của Hoa Kỳ là chanh và quýt. Đây là hai loại quả đã được phía bạn gửi hồ sơ đề nghị mở cửa xuất khẩu sang Việt Nam từ năm 2013. Hiện Cục Bảo vệ Thực vật đã gửi các báo cáo PRA phản hồi cho phía Mỹ để cùng xem xét, có ý kiến.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Cục Bảo vệ Thực vật và APHIS cũng đã thống nhất được các biện pháp tăng cường nhằm kiểm soát hàng hóa nông sản của phía Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát tốt hơn nữa đối với đối tượng dịch hại là cỏ kế đồng.

Thời gian qua, các lô hàng của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã kiểm soát tốt đối với đối tượng dịch hại này. Tuy nhiên vẫn còn một số lô hàng có xác suất nhiễm cỏ kế đồng.

Thứ trưởng NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi với Thống đốc bang Iowa, bà Kimberly Kay Reynolds. Ảnh: Trần Cao.
Theo đó, cả hai bên đều thống nhất sẽ cùng nhau kiểm soát chặt hơn nữa. Trong trường hợp các lô hàng của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện nhiễm dịch hại là cỏ kế đồng nhưng với xác suất không đáng kể, phía Việt Nam đồng ý sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xử lí theo mục đích sử dụng cuối cùng (cho xử lí dịch hại và có cơ chế giám sát từ đầu đến cuối).

Phía Việt Nam đề nghị phía Mỹ tạo điều kiện, chuyển giao các chương trình tiền kiểm tra để cán bộ, chuyên gia bảo vệ thực vật của Việt Nam có thể tự chủ động triển khai các khâu tiền kiểm tra về điều kiện nông sản trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ (thay vì phải cử chuyên gia của Mỹ sang trực tiếp kiểm tra giám sát như trước đây). Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các bước cuối cùng để công nhận thêm đối với 01 nhà máy chiếu xạ của phía Việt Nam; công nhận thêm cho phía Việt Nam đối với biện pháp xử lí kiểm dịch bằng biện pháp xông hơi nước nóng.

Theo đó, phía Mỹ đã đồng ý thời gian tới, sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ, đào tạo và tập huấn cho các cơ quan về kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Xuất khẩu trái cây sang Mỹ tăng đều

Theo ông Hoàng Trung, hiện nay, phía Việt Nam đã cho phép nhập khẩu đối với 6 loại trái cây từ Hoa Kỳ (trong đó mới nhất vừa qua đã cho phép nhập khẩu đối với cam của Mỹ). Hiện phía Mỹ đang đề nghị phía Việt Nam cho phép nhập khẩu đối với quả bưởi chùm, đào và xuân đào, chanh và quýt.
Về phía Việt Nam, hiện cũng đã có 6 loại quả được xuất khẩu sang Mỹ gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa đã được xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam cũng đang đề nghị phía Mỹ sớm xem xét cho phép nhập khẩu đối với quả chanh leo. Thời gian tới, Việt Nam sẽ nghiên cứu đối với các loại trái cây có tiềm năng của Việt Nam để đề nghị phía Mỹ xem xét cho phép nhập khẩu.

Những năm vừa qua, lượng trái cây xuất khẩu sang Mỹ chưa lớn, nhưng đây là thị trường có giá trị cao và đang tăng đều qua từng năm (hiện dao động khoảng 10.000 tấn/năm). Các điều kiện kỹ thuật mà phía Mỹ yêu cầu đối với trái cây của Việt Nam, hiện nông dân đều đã đáp ứng được.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang Mỹ cũng sẽ là cơ hội để nông dân, các doanh nghiệp, HTX cũng như cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành của phía Việt Nam tự nâng cao năng lực, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức sản xuất, hoàn thiện các điều kiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, điều kiện về an toàn thực phẩm...

Việc mở cửa đối với các sản phẩm trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ tạo những nền tảng, điều kiện sẵn có nhằm tạo thuận lợi hơn khi Việt Nam đàm phán mở cửa đối với các thị trường quốc tế khác do Mỹ là quốc gia có các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật.

Hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng trái cây đã được cấp mã số để xuất khẩu sang Mỹ, theo đó đáng mừng là nông dân đều rất có ý thức tuân thủ các điều kiện về kỹ thuật... Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo các địa phương, nông dân, HTX đã có các vùng trồng được cấp để xuất khẩu trái cây sang Mỹ, tiếp tục giữ vững việc tuân thủ các yêu cầu theo hướng dẫn.
 

Trần Cao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm232
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại664,348
  • Tổng lượt truy cập16,538,938
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây