NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Phát triển tổ liên kết sản xuất- Hướng đi bền vững cho nông dân
Thứ năm - 19/09/2019 22:221.0210
Để đóng góp vai trò của tổ chức Hội thực hiện tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn tích cực chỉ đạo cho Hội Nông dân các cơ sở thành lập các tổ liên kết sản xuất về trồng trọt và chăn nuôi, tạo tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.
Tiêu biểu có mô hình tổ liên kết chăn nuôi trâu, bò ở xã Nghĩa Hưng gồm có 7 thành viên tham gia. Sau hơn một năm thực hiện, các thành viên trong tổ hiện nay bình quân có ít nhất 02 con trâu, bò/hộ. Từ trước đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, xóm 6 xã Nghĩa Hưng phát triển kinh tế gia đình bằng cách chăn nuôi trâu sinh sản. Từ khi Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng vận động chị tham gia vào tổ liên kết phát triển chăn nuôi trâu, bò do Hội Nông dân thành lập, chị nhận thấy đây là một tổ liên kết hiệu quả, các hộ tham gia được hỗ trợ nhau về nguồn vốn, tư vấn về con giống, chăm sóc qua từng giai đoạn, cùng nhau tháo gỡ khó khăn khi trâu, bò bị bệnh, trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu, bò và đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy hầu hết các thành viên trong tổ liên kết đều cảm thấy yên tâm tin tưởng hoạt động của tổ liên kết. Chị Tuyết cho biết: Tham gia tổ liên kết có một số thuận lợi là được cùng nhau tham gia học lớp nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ trị bệnh cho trâu, bò; giao lưu học hỏi để biết kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, giúp nhau đầu ra sản phẩm, giúp nhau phát triển thuận lợi hơn.
Tổ liên kết chăn nuôi trâu, bò của xã Nghĩa Hưng được thành lập tháng 8/2018 với sự tham gia của 7 hộ; hầu hết các thành viên tham gia tổ nuôi ít nhất từ 02 con đến 06 con trâu, bò. Các thành viên tham gia tổ liên kết đều được tư vấn hỗ trợ lẫn nhau từ khi bắt đầu xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn và đầu ra sản phẩm. Trong đó, theo các thành viên trong nhóm khó khăn lớn nhất chính là chủ động nguồn thức ăn khi bước vào mùa đông, khu vực để chăn thả ít, đầu ra sản phẩm đang phụ thuộc vào thương lái. Theochị Hà Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng: Sau khi Hội Nông dân xã thành lập tổ liên kết chăn nuôi trâu, bò, các thành viên trong tổ hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong việc mua con giống, khâu chăm sóc, phòng trừ bệnh, trồng cỏ... Từ ban đầu có 07 thành viên tham gia, hiện nay đã kết nạp thêm được 03 thành viên vào tổ, các thành viên trong tổ rất phấn khởi cùng giúp nhau phát triển chăn nuôi. Cùng với phát triển tổ chăn nuôi ở Nghĩa Hưng, ở Nghĩa Yên lại thành lập tổ liên kết trồng cam chất lượng. Được sự hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội 500 triệu đồng, Hội Nông dân xã Nghĩa Yên hướng dẫn thành lập tổ liên kết gồm 20 thành viên tham gia. Hai năm đầu triển khai thực hiện, mỗi năm thu nhập bình quân từ các sản phẩm các loại cây ngắn ngày trồng xen (lấy ngắn nuôi dài) xấp xỉ đạt 19-20 triệu đồng/hộ. Ước tính bước vào thời kỳ kinh doanh của cây cam, cho thu hoạch sản phẩm bình quân là 30-35tấn/ha, có lãi từ 150-200 triệu đồng/năm, nếu được đầu tư, chăm sóc tốt có thể thu lãi từ 200 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Yên chia sẻ: Các hộ tham gia tổ liên kết trồng cam cùng nhau học hỏi, trao đổi kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Quan tâm, băn khoăn nhất hiện nay của bà con vẫn là tình hình sâu bệnh trên cây cam nhiều cộng với việc giá cả thị trường biến động liên tục, nhất là vào thời điểm cam chín rộ, tuy các hộ đã liên kết lại với nhau nhưng việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 14 tổ liên kết sản xuất chăn nuôi và trồng trọt tại 14 địa phương như: chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi gà, trồng cam, trồng bưởi …Hội đảm nhận vai trò tập hợp, cầu nối trong vấn đề hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, chăm sóc, giới thiệu sản phẩm, khâu tổ chức sinh hoạt tổ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi. Hầu hết các tổ liên kết đều phát triển hiệu quả, hàng năm mỗi hộ trong tổ tăng thu nhập thêm 15-20 triệu đồng, tạo điều kiện giải quyết việc làm mỗi hộ thêm 1 đến 2 lao động nông nhàn. Đây cũng chính là tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là sự đồng hành, tìm đầu ra sản phẩm ổn định cho các nhóm hộ. Thiết nghĩ, muốn làm được điều đó, cần có sự định hướng, liên kết, xây dựng thương hiệu của sản phẩm và vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan để mang lại quyền và lợi ích thiết thực cho người nông dân trên địa bàn.