NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa
Thứ hai - 17/02/2020 04:472.3050
Ốc bươu vàng là đối tượng gây hại khá nguy hiểm đối với cây trồng, nhất là với cây lúa nước ngay ở thời kỳ đầu mới gieo cấy. Từ ra tết đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều địa phương bị ốc bươu vàng phát sinh gây hại. Để giảm thiệt hại do ốc gây ra chúng tôi giới thiệu một số đặc điểm về ốc và biện pháp phòng trừ để bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân 2020 và cho thời gian tới.
1: Đặc điểm sinh học: Ốc bươu vàng (OBV) để trứng thành ổ, mỗi ổ khoảng 200-300 trứng, nếu điều kiện thích hợp có thể lên đến 500 – 600 trứng/ổ; sau đẻ 7-15 ngày trứng nở thành ốc con, giai đoạn ốc non phát triển từ 15 – 25 ngày sau đó là giai đoạn ốc lớn 26 – 59 ngày. Vòng đời ốc trung bình 60 ngày và OBV có thể sống 4-6 năm. OBV có thể sống dưới nước hoặc trên cạn, trên cạn ốc có thể sống nhiều tháng bằng cách đóng nắp và vùi trong đất, đặc biệt chúng có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thiếu Oxy nhờ có ống thở. OBV có thể sống trong nước ở nhiệt độ từ 0 – 32oC và sống trong đất khô 6 tháng khi điều kiện tự nhiên thiếu nước.
2: Đặc điểm gây hại: Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi gieo cấy cho đến khi cây lúa được 30 ngày; OBV hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm. Lúa non bị OBV ăn nhiều lúc không thể phục hồi được vì khi cắn ngang thân cây lúa ốc còn tiết ra loại chất nhờn bám vào vết cắn khiến cây lúa không thể tiếp tục sinh trưởng. OBV là loại phàm ăn, ăn khỏe, ăn liên tục cả ngày đêm. Trên ruộng lúa OBV thường ăn từng đám, tập trung ăn nhiều ở ruộng trũng, ruộng lúa non mới gieo cấy.
3. Biện pháp phòng trừ: Từ đặc điểm của ốc chúng ta có thể kết hợp nhiều biện pháp phòng trừ theo hướng tổng hợp quanh năm ngay từ khi chưa gieo cấy đến khi lúa cứng cây như sau: - Vùng chưa gieo cấy nếu có điều kiện và thời gian (nhất là vụ hè) có thể phơi ải đất sau khi thu hoạch kết hợp rắc vôi bột với lượng 20-30kg/sào có tác dụng tốt để diệt ốc. - Bước vào vụ gieo cấy phát động bà con nông dân bắt ốc bằng tay và thu gom ổ trứng (ở trên ruộng, trên bờ, mương máng, vùng đầm hoang) đem tiêu hủy (đào hố rắc vôi bột chôn lấp) hoặc làm thức ăn cho gia súc. - Dùng dây lá khoai lang, khoai sọ, đu đủ, xơ mít bó thành từng bó nhỏ thả xuống nước dọc theo bờ để dẫn dụ ốc đến rồi thu bắt. - Dùng que tre, nứa, gỗ,…cắm cọc làm giá để ốc leo lên đẻ trứng rồi thu trứng (cắm dọc bờ ruộng, mương, đầm hoang). - Vùng nuôi vịt có thể thả vịt vào ruộng để diệt trứng, ốc ngay từ đầu vụ khi chưa gieo cấy hoặc khi lúa đã cứng cây. - Trên ruộng lúa có thể làm các rãnh sâu khoảng 20cm để thoát nước xung quanh và trong ruộng sau đó rút dần nước nhằm tập trung ốc vào rãnh để bắt hoặc phun thuốc,… - Làm lá chắn bằng tre, nứa, sắt (có lỗ nhỏ) để chắn ngay chỗ nước chảy vào ruộng, từ ruộng này qua ruộng khác, hạn chế ốc di chuyển từ nơi này qua nơi khách. Trong trường hợp các biên pháp trên đã thực hiện nhưng OBV vẫn phát sinh nhiều mật độ cao ở diện rộng thì phải dùng thuốc hóa học để xử lý bằng một trong các thuốc đang được dùng có hiệu quả ở Nghệ An gồm: hoạt chất Niclosamide (VT-dax 700WP ); hoạt chất Niclosamide-olamine (Vua trừ ốc – Clodansuper 700WP, TruOc AIC 700WP). Dùng theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất.
Chú ý: Thuốc trừ ốc có tính độc cao nên khi dùng không được để nước chảy vào ao, ruộng thả cá; ruộng dùng thuốc có mực nước từ 3-5cm và phải gữi được 3-5 ngày mới có hiệu quả; dùng vào chiều tối là tốt nhất để tối ốc ra ăn phá dễ bị nhiễm thuốc; Người dùng phải có đầy đủ đồ bảo hộ lao động.