Người xây dựng thành công thương hiệu cam Thiên Sơn trên đất lúa

Thứ ba - 03/12/2019 23:16
Cam Xã Đoài hay còn gọi là cam Vinh là một trong những đặc sản của Nghệ An. Tuy nhiên, để cam Xã Đoài thành hàng hóa có thương hiệu đưa ra thị trường mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân thì ai cũng biết đến vai trò của một người con quê lúa. Đó là ông Trịnh Xuân Giáo chủ trang trại cam Thiên Sơn ở Yên Thành.

"Thiên đường" cam 

1
Ông Trịnh Xuân Giáo bên trang trại cam của mình tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Vào vườn cam Xã Đoài lòng vàng của ông Trịnh Xuân Giáo những ngày đầu tháng 12, du khách thật sự choáng ngợp trước hàng ngàn cây cam trĩu quả, đang độ chín vàng. Gần 10 nghìn cây cam dù đã 15 năm tuổi sum suê cành lá, được trồng theo lối thẳng hàng có các lối đi thuận lợi cho thu hoạch.

Những công nhân đang thu hái cam, vốn là nông dân bản địa cho biết, trước đây vùng đất này người dân chỉ biết trồng ngô, khoai, sắn… thu nhập thấp. Ông Trịnh Xuân Giáo thổ lộ: Mặc dù từ tháng 11, ngoài thị trường cam đã bán tràn ngập, nhưng vườn cam của tôi phải đến đầu tháng 12 mới bắt đầu mở trại. “Giống cam Xã Đoài lòng vàng phải đến độ chín thật sự thì ruột mới vàng óng, mới ngọt đậm”.

Ông Giáo nhẩm tính, 15 năm trồng cam, ông đã có 11 vụ cam cho thu hoạch liên tục. Với quy trình sản xuất cam sạch VietGAP, thương hiệu cam Thiên Sơn đã khiến người tiêu dùng nức lòng mỗi khi được thưởng thức.

Mỗi mùa cam chín, khách hàng nườm nượp đánh ô tô, xe máy từ các nơi về thu mua, vận chuyển cam đi các nơi tiêu thụ. Trong đó phần lớn thương lái đã gọi điện đặt hàng từ trước. Hàng chục nhân công có kinh nghiệm thu hái được huy động để đáp ứng đủ số lượng hàng tấn cam mỗi ngày cho khách hàng. 

2
Nhờ chăm sóc tốt, các cây cam đều trĩu quả, bắt mắt. Ảnh: Xuân Hoàng
Dừng chân bên những cây cam trĩu quả, ông Giáo tự hào, nhờ áp dụng kỹ thuật tốt trong khâu chăm sóc, nên trại cam không có cây nào bị nhiễm sâu bệnh. Tính trung bình 1 gốc cam cho năng suất 100 kg, cá biệt có những cây cho thu hoạch tới 300 kg quả, giá trị trên dưới 10 triệu đồng. Như vụ cam năm nay, sản lượng ước đạt khoảng 300 tấn, nếu nhân với giá bình quân 30.000 đồng/kg thì trại cam này thu về 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, với đặc thù của cây cam cần được chăm sóc tốt, nên đòi hỏi phải chi phí đầu tư lớn, chiếm khoảng gần 50% doanh thu. Ngoài phân bón, điện phục vụ tưới nước… còn thuê nhân công làm cỏ, bón phân, thu hái, bảo vệ...
3
Cam Thiên Sơn, Yên Thành nổi tiếng với vị ngon ngọt, đảm bảo chất lượng, uy tín với người tiêu dùng. Ảnh: Xuân Hoàng

Hành trình bền bỉ

Nhắc đến Yên Thành, ai cũng nghĩ ngay là vựa lúa của xứ Nghệ. Thế nhưng giờ đây, vùng đất “gạo trắng nước trong” này không chỉ nổi tiếng về gạo, về khoa bảng… mà nay còn nổi tiếng hơn với thương hiệu cam Vinh, đặc sản mới được khám phá trong 15 năm qua với hương vị đặc biệt mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.

Ông chủ trại cam Thiên Sơn tâm sự: Vào năm 2001, tình cờ thưởng thức cam của xã Minh Thành (Yên Thành), ông thực sự sửng sốt với hương vị thơm ngon, độ đậm đà tan chảy của từng múi cam, không hề thua kém quả cam Xã Đoài trứ danh bấy lâu nay. Từ đó ông âm thầm tìm hiểu và thử nghiệm chất đất nhiều nơi trên các xã ven đồi của Yên Thành.

Năm 2004, ông đã tìm được mảnh đất ưng ý ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành với diện tích 18 ha. Điều đặc biệt, vùng đất này có 3 núi lèn bao bọc, người dân bản địa quen gọi là thung lũng 3 lèn. Có đất rồi, nhưng ông Giao biết rằng, cam là cây trồng “khó tính” đòi hỏi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, thì hiệu quả mới cao. Do vậy, sau khi cải tạo được đất, ông Giáo đến thủ phủ cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp tìm hiểu cách trồng cam. Như có vận may, ông Giao bắt gặp “vua cam” Nguyễn Hữu Bình, là một người có kinh nghiệm trồng cam trên 35 năm trên đất Quỳ Hợp. Được ông Giáo nhiệt tình mời về phụ trách khâu kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, ông Bình quyết định chuyển nhượng toàn bộ diện tích cam tại Quỳ Hợp để về xuôi theo ông Giáo phát triển vùng cam hàng hóa trên đất lúa Yên Thành.

Nhắc đến câu chuyện này, ông Nguyễn Hữu Bình chia sẻ: Với kinh nghiệm và kỹ thuật hàng chục năm gắn bó với cây cam “khó tính”, khi đặt chân đến vùng đất Đồng Trung này, tôi đã dám chắc đây sẽ là tương lai của một trại cam nức tiếng ở Yên Thành. Đúng vậy, chỉ sau 3 năm cộng sức đồng lòng của nhiều cộng sự, một trại cam tốt tươi bắt đầu cho quả bói, chất lượng cam đúng như dự đoán là mỹ mãn. Đến bây giờ có thể khẳng định trại cam Thiên Sơn có một không hai trên đất lúa Yên Thành.

4
Vào mùa thu hoạch, trang trại cam Thiên Sơn tạo việc làm cho hàng chục lao động. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ mô hình trang trại cam ông Giáo cho thu nhập cao trên địa bàn, người dân xã Đồng Thành học hỏi được kỹ thuật trồng cam, nhiều hộ đã đầu tư trồng cam trong vườn nhà cũng có thu nhập cao. Ông Giáo và các cộng sự đã tận tình hướng dẫn cho người dân, tạo thành những người cộng tác trồng cam trong vùng mang lại thương hiệu cam Yên Thành. 

Phát huy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, hiện nay nhiều xã vùng đồi ở Yên Thành như: Minh Thành, Đồng Thành, Kim Thành, Trung Thành… đã có hàng trăm hộ trồng cam, với diện tích trên 130 ha. Chất lượng cam Yên Thành ngày càng được khẳng định, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nói về chiến lược phát triển thị trường cam, ông Giáo cho biết, từ những năm gần đây, người dân các huyện mở rộng diện tích cam hàng hóa, điều đó khẳng định rằng tới đây sẽ có cuộc cạnh tranh giữa thương hiệu các sản phẩm cam trên địa bàn Nghệ An và giữa các chủ trang trại với nhau. Tuy nhiên, với quan điểm “Chất lượng sản phẩm tạo nên thương hiệu” ông tin tưởng rằng, sản phẩm cam Xã Đoài Yên Thành sẽ khẳng định được vị trí của mình trên thương trường.

Thành công từ thương hiệu “cam Thiên Sơn” - Yên Thành, những năm qua ông Trịnh Xuân Giáo đã đầu tư trồng 60 ha cam Xã Đoài lòng vàng trên địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông) với mục đích tạo dựng thương hiệu “cam Thiên Sơn” - Con Cuông.

Xuân Hoàng

Nguồn tin: baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay36,077
  • Tháng hiện tại82,364
  • Tổng lượt truy cập15,956,954
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây