NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Không chủ quan với mùa mưa bão lụt năm nay
Thứ tư - 13/07/2022 05:126990
(Hội NDNA) - Dự báo mùa mưa bão năm nay của ngành Khí tượng – Thủy văn, cả nước có thể có 10 – 12 cơn bão, tần suất xuất hiện nhiều từ cuối tháng 7 kéo dài đến tháng 11. Trong đó có 5 – 7 cơn ảnh hưởng đến nước ta và tập trung nhiều vào khu vực các tỉnh miền Trung. Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) bao giờ cũng đi kèm với mưa to, lụt lớn.Tổng lượng mưa trong mùa mưa bão năm nay có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 – 20% cùng kỳ.
Từ những hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay như nói trên, chúng ta cần sớm chủ động có các biện pháp phòng chống, tránh né để giảm mức độ thiệt hại do mưa bão gây ra. Cụ thể cần tập trung làm tốt các biện pháp sau đây:
Thứ nhất: Đối với sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu có các cây trồng như: lúa, ngô, lạc, vừng, đậu đỗ… cố gắng thu hoạch xong trước ngày 30/8 đối với cây lạc, vừng, ngô và trước 5 – 10/9 đối với cây lúa. Riêng các vùng sâu trũng dễ bị ngập lụt khi có mưa to thì nên thu hoạch lúa hè thu khi lúa đã có 80% số hạt trên bông đã chín.
Đối với gia súc, gia cầm cần chủ động có biện pháp chống đỡ chuồng trại vững chắc, che chắn kín chuồng ràn. Nếu là vùng thấp trũng dễ bị ngập úng, trong mùa mưa, bão, lụt thì cần có kế hoạch chọn địa điểm sơ tán gia súc, gia cầm lên vùng cao, vùng ít hoặc không bị ngập lụt khi mưa to.Nếu là gà, vị đã có đủ trọng lượng để xuất chuồng thì nên xuất bán trước khi mùa mưa, bão lụt đến.
Đối với các trang trại, lồng bè nuôi trồng thủy sản cần chủ động có biện pháp phòng tránh tốt trước khi mùa mưa, lụt bão chưa đến, như: nếu là tôm, cá nuôi ở ao hồ phải kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn và tốt nhất nên tôn đắp bờ ao cao hơn mức nước năm bị ngập úng lớn nhất từ 0,5m trở lên. Tất cả ao nuôi phải có tràn hoặc cống thoát nước khi mưa to, lượng nước trong ao hồ lớn hơn mực nước bên ngoài thì phải xả tràn hoặc xả qua cống thoát nước.
Đối với cá nuôi ở các lồng bè trên các sông suối, hồ đập, cần kiểm tra kỹ lồng bè đã an toàn chưa để có biện pháp gia cố thật vững vàng và nên có hệ thống dây chằng, dây neo phao lồng bè liên kết lại thành mảng nương tựa vào nhau. Đồng thời cần di chuyển lồng bè vào nơi kín gió, nơi có dòng chảy nhẹ để tránh gió mạnh, bão lớn làm hư hỏng. Nơi nào lồng sông suối hẹp, dòng nước chảy mạnh thì nên dùng tấm phên, bạt che chắn phía trước lồng bè để làm giảm tốc độ dòng chảy trực tiếp vào lồng bè.
Hai là: Đối với tất cả các hồ đập lớn thủy lợi và thủy điện khi có mưa to, mưa kéo dài, lượng nước tích lại trong lòng hồ vượt ngưỡng dung tích thiết kế cho phép thì cần phải xả lũ để đề phòng vỡ thân đê đập và trước khi xả lũ phải thông báo trước cho các địa phương vùng hạ du biết để người dân sơ tán của cải, tài sản, tính mạng con người. Đồng thời khi xả lũ ở các hồ đập phải tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành xả lũ do liên bộ Bộ NN & PTNT và Bộ Công thương quy định.
Ba là: Chủ động đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xẩy ra trong mùa mưa, bão, lụt. Trong đó đặc biệt lưu ý nhất dễ xảy ra ở các vùng núi có độ dốc cao, khe suối hẹp, lòng sông nhỏ… Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 280 điểm được cảnh báo rất dễ xẩy ra nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở 6 huyện miền núi cao gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong. Trong đó có 17 xã rất dễ có nguy cơ xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân. Đó là các xã: Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý, Na Ngoi, Nậm Cắn, Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn; Yên Tĩnh, Yên Na, Nga My, Xiêng My, Mai Sơn, Lưu Kiền huyện Tương Dương; Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng, Quang Phong huyện Quế Phong.
Những huyện nói trên phải chủ động có phương án phòng chống, di dời người, tài sản, gia súc, gia cầm… trước mùa mưa, bão, lụt đến.
Bốn là: Đề phòng nước biển dâng cao khi có gió bão siêu cấp xảy ra. Đây là trường hợp ít xẩy ra, nhưng không chủ quan. Do ảnh hưởng của BĐKH làm gia tăng hiện tượng siêu bão, cực đoan, khó lường. Nếu có siêu bão xẩy ra thì vùng ngập úng do nước biển dâng lên có thể lên đến 8 – 10m và vùng xẩy ra là vùng ven biển, ven sông về phía bên phải tâm bão.
Vì vậy, các huyện, xã vùng ven biển phải thường xuyên lưu ý và cảnh giác để chủ động có biện pháp né tránh.
Năm là: Thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình cả địa phương và Trung ương về những thông tin dự tính, dự báo thời tiết và sự xuất hiện mưa, bão, lụt có thể xẩy ra hoặc đang xẩy ra ở một nơi nào đó, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Nghệ An. Có thể nói, những năm gần đây trên các phương tiện truyền thông, báo chí đã góp phần đem lại hiệu quả lớn trong công tác phòng, chống thiên tai bão lụt. Vì vậy, đây là một kênh thông tin mà các cơ sở sản xuất và bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi để biết, để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.