NÔNG NGHIỆP THỊNH VƯỢNG
NÔNG DÂN GIÀU CÓ
NÔNG THÔN VĂN MINH HIỆN ĐẠI
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Cổng thông tin điện tử
Hội Nông dân tỉnh Nghệ An
Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường
Thứ năm - 19/10/2023 05:443.1780
(Hội NDNA) - Ngày 18/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam". Dự án được triển khai tại 24 tỉnh, thành phố, với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation.
Phát biểu tại hội thảo, Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ trong việc nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nông dân về canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ngoài việc góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn mang ý nghĩa rất lớn trong nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe cho người nông dân, tái tạo đất hướng đến nền nông nghiệp sinh thái”.
Tại tỉnh Nghệ An Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” được triển khai tại 04 xã: Thanh Khai, Thanh Tiên, thuộc huyện Thanh Chương; Xuân Lam, Long Xá thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với 80 nông dân nòng cốt tham gia.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án, Ban Thường Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Dự án “ Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”, từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về hiệu quả của biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ban quản lý Dự án của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức được 16 lớp tập huấn cho 80 nông dân nòng cốt tham gia Dự án. Nội dung tập huấn tập trung giới thiệu tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường, kỹ thuật bón phân hợp lý (cụ thể giảm phân đạm), tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Sau mỗi lớp tập huấn, đã tổ chức cho các học viên ký cam kết áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tại ruộng gia đình của mình.
Ngoài ra, tổ chức thêm 8 lớp tập huấn cho các nông dân nòng cốt về hướng dẫn cách thức lựa chọn ruộng trình diễn, cách thức vận hành và giám sát ruộng trình diễn; hướng dẫn kỹ thuật làm đất; kỹ thuật ngâm ủ, làm mạ, chăm sóc mạ; kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Tổ chức 16 hội nghị truyền thông về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các hộ nông dân nòng cốt tham gia dự án và hộ nông dân khác trong vùng triển khai dự án với hơn 800 hộ nông dân và khoảng hơn 2.400 hộ hội viên nông dân được chia sẻ, hưởng lợi từ dự án, qua đó để đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đem lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã xây dựng 12 mô hình trình diễn canh tác lúa thân thiện với môi trường, quy mô 12.000m2 trên địa bàn 04 xã tham gia dự án trong 03 vụ sản xuất (vụ Xuân 2022, Hè Thu 2022 và vụ Xuân 2023). Qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu cho thấy: Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, chống chịu được sâu bệnh tốt, bông to khỏe; số dãnh hữu hiệu đạt 8-10 dãnh/khóm, số hạt chắc trên bông đạt 140-150 (hạt chiếm 85%); năng suất thực thu đạt 3,2-3,5 tạ/sào, cao hơn so với ruộng đối chứng là 50 kg/sào; chi phí sản xuất giảm, cụ thể: giống giảm 30% (chỉ sử dụng 2- 3 kg giống/sào), phân bón giảm (3-5kg/sào), thuốc bảo vệ thực vật giảm 2-3 lần phun/vụ. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đối chứng 20-25%.
Đến nay đã nhân rộng được 808 mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, với diện tích 113,4ha, trên 800 hộ nông dân tham gia, phần lớn kinh phí xây dựng mô hình là trực tiếp các hộ nông dân tự đầu tư. Đây là những mô hình điểm cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham quan học hỏi kinh nghiệm để từ đó áp dụng vào việc canh tác lúa thân thiện với môi trường của hộ gia đình góp phần phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Để đạt được những kết quả trên, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, Cần nắm chắc mục đích, ý nghĩa, các nội dung hoạt động của Dự án; Tranh thủ thường xuyên sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án Trung ương; Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai: Bám vào đề án sản xuất của chính quyền các cấp để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, trong đó chú trọng vào các nội dung chính: áp dụng kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ, giảm thiểu phân bón hóa học, sử dụng rơm rạ hiệu quả để từng bước nâng cao nhận thức của người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba: Chú trọng đầu tư một cách kỹ lượng vào lựa chọn để xây dựng mô hình trình diễn, cụ thể như: phối hợp khảo sát lựa chọn địa điểm, hộ tham gia, áp dụng quy trình canh tác một cách nhuần nhuyễn; tranh thủ lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương để kiến nghị với chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng mô hình.
Thứ tư: Tăng cường sự phối hợp giữa HND tỉnh, UBND huyện để thống nhất chủ trương quan điểm chỉ đạo trên địa bàn triển khai; phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình qua các vụ sản xuất; tập trung chỉ đạo nhân ra diện rộng.
Từ những kết quả mà dự án mang lại, tại hội thảo tổng kết Dự án, các đại biểu cho rằng thời gian tới hội nông dân các cấp cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân và khẳng định lợi thế, xu thế của việc canh tác lúa thân thiện với môi trường; Các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường với quy mô lớn hơn và theo chuỗi giá trị; các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu lúa gạo thân thiện với môi trường, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.