Hội Nông dân tỉnh Nghệ An - Nhiều cách làm hay giúp nông dân giảm nghèo bền vững

Thứ ba - 10/09/2024 22:52
(Hội NDNA) - Trong thời gian qua, cùng với công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Trong thời gian qua, cùng với công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; hàng năm các cấp hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân về các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững (trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, ngày 12/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định về nội dung, mức hõ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các văn bản, hướng dẫn của hội nông dân các cấp); đồng thời giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình là hộ hội viên nông dân thoát nghèo tiêu biểu, hộ gia đình nông dân tự nguyện xin thoát nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng; Phát động các phong trào, vận động hộ nghèo, người nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo và đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chính sách khuyến khích thoát nghèo của Trung ương, tỉnh; Vận động hội viên nông dân tham gia các phần việc thiết thực, nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hộ nghèo phát triển.
 
trang trai 6 h trong nho trang trai doi choi xa thinh son huyen do luong
Đ/c Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình ở Đô Lương
 
Để góp phần vào việc tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ hộ hội viên nông dân nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Việc triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo thêm động lực, khích lệ hàng trăm ngàn hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, liên kết, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Bình quân hàng năm có trên 300.000 hộ hội viên đăng ký và có trên 150.000 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, phong trào đã tạo thêm sự gắn kết, tinh thần tương thân, tương ái giữa hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hộ nông dân nghèo. Hàng năm các hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh đã hỗ trợ trên 92.000 lao động có thêm việc làm; giúp đỡ có hiệu quả trên 54.000 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
14b941f77a4cd812815d
Hỗ trợ nông dân tín chấp phân bón phát triển sản xuất

Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn. Phát huy nguồn lực từ những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, với tinh thần “tương thân tương ái”, hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua phong trào, các cấp hội nông dân đã tuyên truyền vận động hội viên nông dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức hỗ trợ giúp đỡ hộ nông dân nghèo về vốn, khoa học kỹ thuật, các loại cây giống, con giống, vật tư sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm,... Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, thiên tai, bão lụt; đóng góp hàng trăm triệu đồng, tham gia xây nhà tình nghĩa cho hội viên nông dân nghèo.
z3433697855896 893719d24bf2c3866f60f5232f8e9534
Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Hưng Nguyên

Để việc hỗ trợ, đầu tư nguồn lực theo chiều sâu có hiệu quả giúp hội viên nông dân nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo, các cấp hội đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo bền vững được các cấp hội tổ chức thực hiện như: mô hình sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững “Nuôi dê sinh sản gắn với phát triển kinh tế vườn” tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ đã cung cấp con giống cho 32 hộ nghèo và cận nghèo với 160 con dê giống sinh sản (mỗi hộ 05 con); mô hình hỗ trợ giống gà Dabaco cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của Hội Nông dân thành phố Vinh; mô hình hỗ trợ con giống (lợn, gà), vật tư, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ hội viên nông dân nghèo của Hội Nông dân huyện Đô Lương; Đề án ngân hàng bò giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế của Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu và Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn,... Từ năm 2022 -2023 Ban Thường vụ Tỉnh hội phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” tại 02 huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên; Thông qua dự án đã làm chuyển biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về canh tác lúa cải tiến theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân thông qua giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới phù hợp; mô hình cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, giúp tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập; góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời xem đây là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
 
hoi nd xa dien trung trao tang vien gach nghia tinh
Chương trình "Viên gạch nghĩa tình" do Hội Nông dân tỉnh phát động đã giúp nhiều hộ nông dân có nhà ở

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 10/02/2023, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo tại tỉnh Nghệ An, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Viên gạch nghĩa tình” hỗ trợ hội viên nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Hội nông dân các huyện, thành, thị đã triển khai phát động và được cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, cá nhân đồng tình hưởng ứng đăng ký vận động trong 3 năm (2023 – 2025) với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Tính đến nay các cấp hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 192 nhà ở cho 192 hộ hội viên nghèo với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng và gần 1.000 ngày công lao động. Riêng cơ quan Hội Nông dân tỉnh đã vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan quyên góp, ủng hộ hỗ trợ cho 01 hộ gia đình hội viên nông dân tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong xây dựng 01 căn nhà với số tiền 50 triệu đồng.

Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề và chuyển giao KHKT tạo điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất vườn lên thoát nghèo, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 111,2 tỷ đồng; dư nợ uỷ thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo và chính sách vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh dư nợ đến nay đạt 3.758 tỷ đồng; tín chấp vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dư nợ đạt 2.250 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho nông dân vay vốn đạt 32,078 tỷ đồng. Phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên nông dân, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, cung ứng phân bón trả chậm không tính lãi suất, kết quả từ năm 2021 đến nay các cấp hội nông dân đã phối hợp mở 684 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 22.891 lao động nông thôn; phối hợp tổ chức 5.404 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 278.112 hội viên nông dân; cung ứng 63.864 tấn phân bón các loại, 488 tấn thức ăn chăn nuôi, hơn 26.000 con giống gia cầm..
 
z5533626745142 3169ce65c2124933aa0d03b9d3cafedf
Tập huấn khoa học - kỹ thuật cho nông dân

Từ các hoạt động trên, hàng năm các cấp hội trên địa bàn cả tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cho trên 500 lượt hộ hội viên nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Có thể nói, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các chủ trương của đảng và chính sách của nhà nước về giảm nghèo bền vững; với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để giúp đỡ hộ hội viên nông dân nghèo thoát nghèo bền vững; qua đó đã góp phần tich cực trong việc nâng cao nhận, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người nông dân, đặc biệt là đối với số hộ nghèo, cận nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững. 

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo phát động và triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giúp hội viên nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững, cụ thể như sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, giúp cho hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình, Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.

Hai là, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hộ hội viên nông dân nghèo về vốn, vật tư nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao KHKT gắn với công tác an sinh xã hội để từng bước giúp đỡ hộ hội viên nông dân nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh có thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, khuyến khích và phát huy trách nhiệm các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn đảm nhận, giúp đỡ, hướng dẫn cho hộ nghèo về vốn, vật tư nông nghiệp, kiến thức KHKT và kỹ năng trong sản xuất kinh doanh; tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình sinh kế giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế và các phong trào do các cấp hội nông dân trong tỉnh phát động có hiệu quả.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong việc đại diện cho giai cấp nông dân tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững triển khai trên địa bàn nông thôn.

Trần Tuyến

Ban Kinh tế - xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập244
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm241
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại664,313
  • Tổng lượt truy cập16,538,903
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây