Tép rong tập tàng

Thứ hai - 16/03/2020 00:26
(Hội NDNA) - Mùa heo may lành lạnh, hay se sắt nắng quái, chợt hữu duyên mâm nhà có bát canh rau tập tàng nấu tép rong, điểm thêm đôi quả cà pháo mặn muối vại sành đã lâu, thật chẳng lạ vì nồi cơm vụ chiêm nhanh vơi đến vậy.
Tự xưa, rau tập tàng đơn giản là loại rau đủ thứ , có gì nấu nấy. Nhưng cũng đừng nhầm, bởi danh y Tuệ Tĩnh đã trang trọng mà liệt nó vào thứ hạng có vai vế, là “nồi thuốc Nam dược”. Món ăn cổ xưa này đã được danh y trời Nam dạy cho học trò, và truyền bá, khuyên mọi người nên ăn nhiều rau cũng là để trị bệnh. “Có bệnh vái tứ phương”, ai biết bên dậu cũ, bờ hoang còn có bao người bạn rau cỏ chân quê âm thầm sẵn sàng giúp đỡ ta mà người thì cứ quên lãng đi tìm những nơi chốn cao sang để nhờ cậy?

Trong cụm từ “tập tàng”, thì "tập" nghĩa là  thu gom lại, "tàng" là cỏ hoang dại nhưng  không độc và ăn được. Hái đủ thứ rau cỏ miễn nó không hại với người. Nồi canh rau với thứ có thứ không biết tên nên kêu là "canh  rau tập tàng". Câu nói "Đói ăn rau, đau uống thuốc" với hàm ý rau làm thuốc hơn là ăn no chắc lẽ cũng bắt nguồn từ hoang dã tập tàng mà nên. Cũng từ đây, rau tập tàng đã có danh phận, dẫu khiêm cung nhưng vẫn là thứ có tiếng nói quê mùa riêng.
 
canh tep
Canh rau tập tàng nấu tép. Ảnh minh họa
 
Thuở xưa, khi ông bà mình đi khai đất mở vùng những nơi mịt mùng bãi vắng, đi cùng là dăm giống rau nhà gieo quanh đất mới. Non trưa, quanh quẩn ven liếp nhà, hái nắm rau quen quen mà lạ. Nào lá dền đất, lá ớt cay, hăng hăng dăm ngọn cà chua, tý ngọn bầu bí, chua me… Mớ rau hái hôm khác, nhà bên kia, có thể không giống nhà bên này. Có thể là rau sam, rau dệu, rau dền đỏ, dền trắng, mồng tơi, mã đề, , rau má. Nhà bãi sông lại có nồi canh rau tập tàng kiểu khác, nhiều khi với nụ bầu, nụ bí, đọt su su bò đâu đó bên hàng rào, trái mướp còi, nhúm lá dâu tằm…cho người ăn cái hương vị khác của nồi canh rau tập tàng.

Nguyên sơ đất trời một thủa, canh tập tàng chỉ có nấu cùng nước, mà đã ngọt thấm đẫm vị gió đồng bãi, không loài rau nào sánh kịp. Bởi những loài, những lá, những mầm li ti, khuất lấp cỏ cây kia, đã hấp thụ cả hương nguồn cội mà xanh lên trong một bát canh quê kiểng, ân tình.
 
images
Canh tập tàng nấu tép ăn với cà pháo muối là món ăn đưa cơm. Ảnh minh họa

Nhưng rồi, góp mặt cùng nổi canh, là những kí ức thân quen như con tép rong, tép rêu, con cua đồng cũng lặng lẽ đi vào tâm thức để hoàn chỉnh bức tranh quê nhà.

Tép được người mình ở quê quen gọi là tép rong, tép rêu. Tép là tôm con mới nở trôi theo rong rêu sống nhờ phiêu sinh vật, thân phận bé bỏng, nổi trôi đó đây không bờ bến nên có người mượn tên nó để ám chỉ lớp dân nghèo, làm thuê cấy mướn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Tép rong, tép rêu thuở xưa dùng nấu canh rau tập tàng là tép bạc, tép đất  có rất nhiều ven sông, ven suối vào đầu mùa mưa. Tép non vỏ mềm, thịt ngọt, hương vị thơm  mà con tôm không có, chẳng khác nào cái ngon của quả trứng vịt  lộn mà con vịt không thay thế được vậy.

Vớt mớ tép mới cất te nơi bến sông, rửa qua, lựa bỏ cỏ rác, dùng cán dao đập nhẹ cho dẹp, xào sơ với chút hành tăm, nước mắm đồng, là đã dậy mùi, lên vị. Con tép thoắt trở màu nâu đỏ, thơm thao thức gợi bữa cơm chiều.

Mớ rau tập tàng rửa rạch, xắt vừa phải, nếu nhuyễn quá sẽ làm cho  rau bị mềm mất ngon. Chờ cho nước vừa bắt đầu sôi, nhanh tay trút hết rổ rau vào, đậy nắp vung cho kín, chờ tới khi  nồi canh vừa sôi bùng là mở nắp vung và nhắc nồi canh xuống.
Nấu canh rau tập tàng không thấy ai dùng tiêu hay rau thơm như canh bầu, canh bí, canh mướp cả. Mà cũng chẳng cần đến mỡ, đến dầu, còn mì chính lại càng xa lạ. Bởi vị ngọt từ đủ loại rau đã dồn lại trong bát canh nhỏ bé, quê mùa nhưng dằm thắm mà dành cho người quê. Nên ông bà xưa dạy con cháu nấu canh rau tập tàng ăn cho nên thuốc, dù các cụ có biết danh y Tuệ Tĩnh là ai đâu !

Giờ đây, dù vẫn còn nhiều, nhưng ngọt lành bát tập tàng tép rong xưa có còn nữa đâu. Rau phun thuốc, lá to xanh thẫm, nhưng vị cứ nhàn nhạt thế nào. Như cô gái quê ra thành thị, son phấn đậm đà, rõ là đẹp, nhưng hương tóc chẳng còn vị lá mần trầu, vị bồ kết nên đâu thành nét cũ đằm thắm duyên quê, thứ duyên thầm mà bền chặt níu kéo không rời?

Nguyễn Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập240
  • Hôm nay41,716
  • Tháng hiện tại663,930
  • Tổng lượt truy cập16,538,520
Video
Thời tiết
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây